Xin chào bạn thân mến
Hôm nay, chúng ta nói về chuyện tập thể dục được không? Nhưng không phải về lợi ích của tập thể dục hay quá trình mà cá nhân tôi rèn thói quen tập thể dục. Lá thứ hôm nay thực ra đã được tôi viết từ 2021, vào thời điểm, tôi tập yoga được khoảng hơn một năm. Khi mới bắt đầu, mỗi ngày đi tập với tôi đều là trải nghiệm mới mẻ. Tôi quan sát bạn của tôi – người đứng lớp, trực tiếp giúp chúng tôi sửa từng động tác, tôi quan sát những người tập cùng mình, mỗi người có một phong cách riêng, và tôi quan sát sự thay đổi của chính mình trong cả thể chất lẫn lối sống.
Mấy tháng trước, tôi đọc cuốn sách “Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ” của tác giả Murakami Haruki. Trong quá trình theo tác giả đi chạy bộ, tôi cũng nhớ về quá trình mình đã rèn luyện bản thân với bộ môn yoga. Và rất vui vì hôm nay sẽ được chia sẻ cùng cậu trong bài viết này.
Trước khi bắt đầu, tôi có một lời nhắn nhủ quen thuộc rằng, cậu không cần quá đặt nặng những gì tôi chia sẻ, nó chỉ là những cảm nhận của cá nhân tôi, thay vào đó, hãy luôn trân trọng những suy nghĩ và cảm xúc được khơi gợi trong cậu, khi ta trò chuyện với nhau. Bởi rằng, sẽ chẳng điều gì thôi thúc cậu mạnh mẽ bằng động lực từ chính bản thân cậu, bạn thân mến à.
1. KIÊN TRÌ THÊM 1 NHỊP LÀ THÀNH CÔNG
Trên thực tế, các động tác của yoga không hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thoát như chúng ta thường thấy. Dù chúng chỉ kéo dài trong 5 đến 10 nhịp đếm, thì vẫn có nhiều động tác vẫn khiến tay chân và bụng tôi run bần bật, mồ hôi lã chã thấm ướt áo, đặc biệt là vào mùa hè – khoảng thời gian tập khoẻ nhất nhưng cũng vất vả nhất, vì cơ thể vừa mất sức vừa mất nước, dưới nhiệt độ cao,.
Tất nhiên là chúng ta có thể nghỉ ngay khi cảm thấy không chịu nổi, điều đó sẽ giúp ta được an toàn, tránh quá sức, mệt lả đi hay tụt huyết áp. Nhưng nếu chỉ mới thấy mệt đã nghỉ luôn, thì cơ thể sẽ không bao giờ vượt qua giới hạn chịu đựng hiện tại. Thay vì thoả hiệp một cách nhanh chóng, ta hãy trở thành một nhà thám hiểm, tiến thêm từng bước để khám phá tiềm năng của bản thân.
Tôi có ấn tượng rất sâu sắc với những thời khắc mình muốn từ bỏ – có thể chỉ là 1 nhịp đếm chừng 1,2 giây cực kì ngắn thôi, nhưng đó là lúc tôi phải quyết định buông hay không buông. Và tôi sẽ phải cố gắng đẩy lùi suy nghĩ – mình muốn từ bỏ, đồng thời nhắc nhở mình: “Cố thêm 1 nhịp là thành công rồi”.
Cái gọi là thành công ấy có hình dạng gì?
Đó là lần đầu cố thêm một nhịp, lần thứ hai vẫn một nhịp ấy, lần thứ 3, lần thứ 4 vẫn chỉ một nhịp, rồi đến lần thứ 5 tôi trụ được 2 nhịp so với khả năng ban đầu… Cứ như vậy cho đến một ngày nào đó, tôi cảm nhận được tay mình đủ vững, chân mình đủ lực để có thể hoàn thiện động tác một cách trơn tru hơn. Đó cũng là lúc tôi sẽ lại bước vào một vòng lặp mới của việc “Cố thêm một nhịp”, nhưng lần này là trên bậc thang cao hơn.
Thực ra, tôi nghĩ rằng, mọi người đều có sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng có sức bền đủ tốt. Đối với, sức khoẻ, ta phải nương theo cơ địa của riêng mình, nhưng sức bền lại là thứ ta có thể có được từ luyện tập. Luyện tập từ ít đến nhiều, từ cơ bản đến nâng cao, không thể gấp gáp, cũng không đốt cháy giai đoạn. Trong thời gian đầu chúng ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi rất nhanh, nhưng đó vẫn chưa phải sức bền thực sự. Qua đi vài tuần, vài tháng, thậm chí cả năm, quá trình luyện tập ấy mới dần cho ta cảm nhận sức bền mạnh mẽ để thực hiện được một động tác nâng cao nào đó.
Bạn thân mến
Khi hiểu về điều này, tôi áp dụng vào chính cách làm việc của mình hằng ngày. Rằng – Mình kiên trì thêm 1 phút nữa thôi mình sẽ viết xong bài này. Cố gắng hoàn thành 1 nhiệm vụ của hôm nay thì ngày mai mình sẽ không phải vội vàng nữa… Tôi cứ tự nhủ như vậy những lúc mình bị xao nhãng, muốn bỏ dở công việc đang làm.
Kể cùng cậu rằng, mỗi lần làm podcast tôi đều thấy áp lực. Bởi vì trước khi bắt đầu, vô số suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu tôi, rằng “Mình không biết quay phim, mình quay không đẹp chút nào hết, rồi ngồi làm phụ đề cần 3,4 tiếng lận, lâu lắm!” Những “chướng ngại vật” trong tâm lý cản bước tôi hoàn thành công việc đúng hạn. Và để vượt qua cơn lười và sự trì hoãn ấy, tôi phải liên tục gia hạn với bản thân theo từng khoảng thời gian, ngắn nhưng thật cụ thể, ví dụ như Làm thêm 15 phút nữa là gan xong rồi. Ngoi thêm nửa tiếng se đăng xong tập podcast mới!
Khi cậu muốn giúp bản thân kiên trì với mục tiêu lớn, cậu hãy thử đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn và không-gây-áp lực, để ta dễ dàng cố thêm một nhịp. Nếu là thời gian, hãy là khoảng thời gian ngắn thôi nhưng cụ thể – 10 phút, 15 phút. Nếu là công việc, hãy là những đặt đầu việc nhỏ và có thể thực hiện được ngay – Viết 1 dòng thôi, học 3 từ mới Tiếng Anh thôi… Như vậy, tâm trí ta sẽ dễ dàng thuận theo và tôi tin rằng, khi ta đi được bước đầu tiên, ta sẽ đi được quãng đường dài hơn ta có thể nghĩ đến.
2. “QUEN THUỘC” CŨNG LÀ MỘT GIẢI PHÁP
Bạn thân mến,
Năm 2020 khi mới bắt đầu tập yoga, tâm lý của tôi không “khoẻ”. Tôi thường cảm thấy chộn rộn, bất an khi ở trong không gian rộng. Và trùng hợp là phần thư giãn cuối buổi tập yoga sẽ luôn yêu cầu chúng ta phải nằm thả lỏng giữa phòng tập rộng lớn. Tôi thấy “không an toàn” chút nào, khi cơ thể còn đang mệt lử. suốt mot thời gian dài, tôi thường mở mắt chờ cho thời gian qua, cố nhìn ngó thứ gì đó xung quanh để tránh nhớ đến những chuyện không vui.
Tuy nhiên, rất may mắn là sau khoảng nửa năm làm quen với việc ở trong không gian rộng, cộng thêm hiệu quả sau mỗi buổi tập, tôi dần kiểm soát được nỗi bất an của mình. Tôi không gặp khó khăn gì với việc thả lỏng cơ thể nữa, tôi cũng có thể vượt qua sự lo âu bằng cách tập trung vào hơi thở. Bây giờ, tôi đã có thể thư giãn hoàn toàn, mà không thấy áp lực như trước đây.
Có lẽ, “làm quen” cũng là một giải pháp hữu ích giúp chúng ta vượt qua những điều tưởng chừng không thể.
Bạn thân mến,
Tôi từng ngông cuồng nghĩ rằng: Điều gì tạo ra áp lực tâm lý quá lớn thì mình sẽ chọn không làm, ngay cả khi mình làm được chăng nữa. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ mình có thể thử phương pháp này, trước khi hoàn toàn từ bỏ. Đó là tiếp tục làm cho đến khi quen. Bởi vì có trở ngại tâm lý nên ta sẽ mất nhiều thời gian một chút, có thể ta sẽ phải chịu nhiều sự tiêu cực, nhưng trước hết cứ thử làm quen. Đừng mải nghĩ về những điều tiêu cực có thể xảy ra mà thấy chùn bước, hãy nghĩ về về cách vượt qua chúng nhanh nhất có thể
Có nhiều chuyện, ta mãi mãi không muốn làm, như một người bạn tốt của tôi vẫn luôn nói – cô ấy chẳng bao giờ thoải mái được với việc thuyết trình trước đám đông, nhưng sau nhiều năm gắn bó, việc thuyết trình là thứ cô ấy phải quen. Và cô ấy tìm ra những cách giúp bản thân xoa dịu sự căng thẳng.
Giờ đây, quen thuộc trở thành một trong những cách tôi sẽ thử để vượt qua những điều mình từng nghĩ là không thể. Tôi cho rằng, sự cố gắng này của tôi sẽ giúp tôi đạt được mục tiêu, dù lòng mình thấy thoải mái hay không.
Nếu ngày nào đó, tôi đã cố làm quen rồi nhưng vẫn không làm được, thì chắc tôi cũng phải từ bỏ thôi. Nhưng tuyệt vời sẽ là tôi không phải từ bỏ trong nỗi áy náy hay cảm thấy thất bại như tôi đã từng trải qua…
KHÔNG AI QUAN TÂM ĐÂU, CỨ TỰ TIN
Sự thật là khi tập yoga, có rất nhiều động tác… xấu. Bởi vì cơ thể cứng ngắc của chúng ta chưa đủ uyển chuyển thực hiện các tư thế cho chuẩn và đẹp được. Ví dụ có một động tác như thế này, ưỡn ngực về phía trước, hạ cằm xuống, tay chống xuống sàn và đẩy vai về sau,… Nếu nhìn chính mình trong gương lúc đó, tôi nghĩ, chắc mình kì cục lắm. Nhưng mà không ai quan tâm đâu, cứ tập thôi!
Có lần khác, cái quần tập của tôi… bị sứt chỉ. Suốt cả buổi, tôi cứ ngại ngùng không biết người phía sau có nhận ra hay không, liệu họ có kể cho người khác nghe không? Họ có cười tôi vì tôi mặc cái quần bị sứt chỉ không? Thực sự, tôi ngại đến mức chẳng dám cử động mạnh. Rồi tôi trộm nhìn xung quanh khi cả lớp đang tập, tôi nhận ra, ai cũng chỉ đang tập trung vào động tác của họ, chẳng người nào thèm ngó nghiêng kiểm tra cái quần sứt của tôi như tôii vẫn tưởng.
Là vậy đó, bạn thân mến, thần hồn nát thần tính khiến tôi cứ lo sợ về những ánh mắt phán xét chẳng có thật. Và có lẽ, những lo lắng của chúng ta khi đến một đám đông xa lạ cũng gần như vậy. Chúng ta sợ người khác nghe thấy mình nói sai, nhìn ra điều không đẹp ở mình. Nhưng…
Mong cậu tin rằng:
Khi cậu đang thuyết trình, người ta cũng đang cố hiểu nội dung.
Lúc cậu ngồi bệt ngoài vỉa hè, người ta cũng đang vội vàng đi tới điểm hẹn.
Chẳng ai quan tâm ta nhiều như ta vẫn tưởng, và chỉ có ta tự nghĩ mình xấu xí mà thôi.
Đây là bài học mà tôi thích nhất từ Yoga, và nó trở thành câu thần chú cứu tôi trong rất nhiều thời điểm khi tôi quá ngại đám đông đến mức chân tay quýnh quáng, thừa thãi, cảm thấy xấu hổ đến mức chẳng biết làm gì cho phải.
“Không ai quan tâm đâu, cứ tự tin”
“Không ai quan tâm đâu, cứ tự tin”
Nghĩ như vậy chắc chắn sẽ giúp cậu nhẹ nhõm và thả lỏng hơn. Xét cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là, chúng ta có thể tập trung làm tốt việc của mình và khước từ những xao nhãng do “ánh mắt phán xét” nào đó mang lại, huống hồ, ta còn không biết ánh mắt đó có thật không hay chỉ là do nỗi lo lắng của ta tạo ra.
Không ai quan tâm đâu, bạn thân mến! Cứ tự tin lên nhé!
LỜI KẾT
Bạn thân mến,
Khi mới bắt đầu thói quen mới, đặc biệt là bắt đầu tập tành một bộ môn nào đó, ta sẽ luôn cảm thấy hào hứng, vui vẻ. Hãy tận hưởng hết mình trong cảm xúc tuyệt vời ấy. Để khi đến một ngày, sự hào hứng nhạt dần, ta vẫn nhớ về những giây phút vui vẻ và tiếp tục kiên trì. Đây chính là nền tảng tuyệt vời để hình thành thói quen tốt.
Mong rằng, cậu sẽ không trì hoãn tập thể dục bằng bất kỳ lý do nào cậu nhé! Khi cậu muốn, cậu sẽ làm tốt thôi!
LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>