[SPOIL ALERT] Bài viết này có tiết lộ nội dung bộ phim “Do You Like Brahms?”. Mong cậu cân nhắc trước khi đọc <3
Bạn thân mến,
Tôi thích các bộ phim như “Do You Like Brahms?”… Có thể lồng ghép khéo léo chất liệu cuộc sống với những hi vọng mới. Không xa rời thực tế, không có quá nhiều hào quang của nhân vật chính, một tác phẩm hay là bức tranh truyền tải cuộc sống đơn thuần và giản dị. Đồng thời, khắc hoạ hình bóng của những con người còn nhiều thiếu sót và thất bại nhưng luôn cố gắng hoàn thiện mình. Qua những suy tư sâu sắc của từng nhân vật trong phim, “Do You Like Brahms?” giúp tôi hiểu: Cuộc sống, kì thực, không hoàn toàn tăm tối, cũng không chỉ có màu hồng. Nếu cố gắng thêm một chút, ta luôn có thể tìm thấy khía cạnh đẹp đẽ để biết ơn mỗi ngày trôi qua. Mời bạn đọc đầy đủ bài cảm nhận tại đây.
1. NỖI LÒNG CỦA TÔI QUÁ BÉ NHỎ
“Mắt tôi bắt đầu rưng rưng vì âm nhạc người đó chơi quá nóng bỏng, và vì tôi cảm thấy nỗi lòng của mình quá bẻ nhỏ và tầm thường nên tôi khóc.“
Buổi biểu diễn ngày hôm ấy, Song Ah đứng một mình trong căn phòng tối phía xa, nhìn về sân khấu rực rỡ ánh đèn. Nơi ấy, Joon Young là tâm điểm của sự chú ý. Bối cảnh đối lập giữa Song Ah và Joon Young như tín hiệu đầu tiên cho những khó khăn mà hai người sắp phải vượt qua.
Tuy nhiên, tôi thích chi tiết này vì một lẽ khác. Nó gợi tôi nhớ đến cách ví von về một sân khấu mang tên Cuộc Đời. Ta vẫn thường sống như thể luôn có khán giả dõi theo. Mọi thời điểm, ta phải căng mình lên để biểu diễn cho tốt. Nhưng khi nhìn qua sâu khấu của người, cậu sẽ luôn thấy chạnh lòng và tủi thân. Cậu hoài nghi bản thân… Liệu mình đang đứng trên sân khấu tồi tàn hay cánh gà tăm tối mà mãi chẳng bằng người ta?
Nhưng bạn thân mến ơi, là dù cậu đang ở đâu, làm gì, thì khi nhìn vào sân khấu của người khác, cậu vẫn sẽ luôn thấy họ hơn cậu. Cậu sẽ luôn từ chối ghi nhận sự cố gắng của bản thân. Và cho rằng những gì mình làm không bằng sự toả sáng của người đó. Nếu phải so sánh mình với người khác, tôi nghĩ, chúng ta sẽ luôn đau khổ.
3. ANH CÓ THÍCH BRAHMS KHÔNG?
“- Chủ đề của đề án chắc hẳn là “tình yêu không bao giờ có được”?
– Không, mà là tình bạn giữa ba người. Anh có thích Brahms không?“
Cùng là mối quan hệ 3 người giữa Schumann, Clara và Brahms, nhưng Joon Young và Song Ah lại có cách định nghĩa khác nhau. Joon Young nhìn mối quan hệ đó dưới góc độ của “Tình yêu không bao giờ có được” mà Brahms dành cho Clara, cũng như tình yêu đơn phương anh dành Jeong Kyeong. Còn Song Ah lại nhìn thấy “Tình bạn giữa ba người” bởi cô đã chọn tình bạn của mình với Dong Yoon, Min Seong, thay vì tình yêu đơn phương dành cho Dong Yoon.
Dù góc độ có thể khác nhau, nhưng tôi lại xem đây là nét tương đồng giữa Song Ah và Joon Young. Họ đều rung động trước tình cảm của Schumann, Clara và Brahms. Đó hẳn là tiền đề để hai người thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng của đối phương sau này. Và thực sự thích cách biên kịch lồng tiêu đề bộ phim – “Do You Like Brahms?” thành câu kết tập 1, cũng là cuộc trò chuyện riêng tư đầu tiên của Song Ah và Joon Young.
3. ĐỪNG QUÁ GẮNG SỨC ĐỂ LÀM VỪA LÒNG TẤT CẢ
“Khi đang chơi đàn, đừng quá gắng sức để làm vừa lòng tất cả mọi người. Nếu mọi giám khảo của cuộc thi đều cho cậu điểm tám, dĩ nhiên cậu có thể đạt giải quán quân. Nhưng đôi khi, đạt được một, hai điểm mười giữa những điểm sáu, bảy khác có thể tốt hơn đấy. Vì điều đó có nghĩa là có một hai giám khảo sẽ ghi nhớ phần trình diễn của cậu suốt cuộc đời. Đừng sợ gì cả, cứ nghe theo trái tim mình thôi.“
Sau vị trí Á Quân trong cuộc thi Chopin, Joon Young trở thành nghệ sĩ piano lưu diễn toàn Thế giới, là “Thần tượng” của nhiều tài năng trẻ. Nhưng những kì vọng từ khán giả, trách nhiệm với gia đình, và có lẽ cả sự lạc lối trong tình cảm anh dành cho piano,… tất thảy trở thành áp lực đè nặng lên đôi tay, cũng như trái tim Joon Young. Mỗi bản nhạc trở thành nỗi đau, từng phím đàn như con dao sắc nhọn. Điều anh đánh mất là sự tự do, là cảm giác hạnh phúc khi được sống cùng đam mê thuở nhỏ.
Đối với Joon Young,
tôi đồng cảm với anh nhiều nhất ở khía cạnh này. Vì tôi thấy hình bóng mình đâu đó trong dáng vẻ của một người luôn gồng mình để làm hài lòng người khác. Có lẽ, ai trong chúng ta hẳn cũng đã-từng, đang hoặc sẽ có lúc trải qua hoàn cảnh tương tự Joon Young. Trên hành trình trưởng thành của mình, chúng ta không biết, từ khi nào mình đã trở nên hà khắc với bản thân vì những yêu cầu khắc nghiệt của cuộc sống. Sự cầu toàn như chiếc dây dài trói buộc đôi tay, khối óc và khả năng sáng tạo của chúng ta. Ta cố đạt lấy điểm 8 từ tất cả mọi người, nhưng bạn thân mến, điều đó liệu có nên không?
Vốn dĩ, chúng ta không thể ép mình làm tốt trong mọi cuộc chơi. Chúng ta chỉ có thể cố gắng làm hết sức mình mà thôi. Dẫu chỉ đạt một điểm 10 trong số rất nhiều điểm 5,6, đó vẫn là sự ghi nhận đáng quý. Bởi ta biết có người đã thực sự lắng nghe mình.
4. SỰ AN ỦI KHÔNG CẦN NGÔN TỪ
“Tôi đã nói rằng, âm nhạc có thể an ủi chúng ta. Nhưng âm nhạc có thực sự an ủi chúng ta bao giờ chưa, tôi cũng không nhớ nữa. Nhưng đêm đó tôi đã hiểu một điều, bởi vì người ấy an ủi tôi bằng âm nhạc, thay bất kì ngôn từ nào. Nên đến một ngày nào đó sau này, nếu tôi lại cần sự an ủi, tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc này. Nhờ thế thì ngay cả khi tôi bị tổn thương bao nhiêu lần nữa, tôi vẫn sẽ không từ bỏ tình yêu.”
Nếu có danh sách những điều gì khó bày tỏ nhất, thì tôi tin SỰ AN ỦI là một trong số đó.
Vào lúc Song Ah đang bị tổn thương, Joon Young đã lặng lẽ chơi bản nhạc “Sonata Ánh Trăng” mà cô thích. Anh dành tặng cô giai điệu chúc mừng sinh nhật đặc biệt. Thay cho những lời sẻ chia đã trở nên thừa thãi, Joon Young dùng âm nhạc để an ủi Song Ah. Anh đề nghị được làm bạn của cô để trao cô cái ôm nhẹ nhàng. Tất cả những điều đó tiếp thêm cho Song Ah sức mạnh để bảo vệ trái tim khỏi nỗi sợ bị tổn thương.
Trong “Do You Like Brahms?”, tôi thấy một điều kì diệu trong mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là sự im lặng còn có khả năng gắn kết chúng ta nhiều hơn ngôn từ. Cậu sẽ muốn ở bên một người cho cậu cảm giác thoải mái ngay cả khi cả hai cùng im lặng, thay vì ở bên một người mà ta ép bản thân phải nói hết điều này, tới chuyện khác cho đỡ ngượng ngùng.
Thế nên, chúng ta ở bên nhau…
ngoài việc giúp nhau tiến về phía trước, còn là cùng chậm lại để sống trọn vẹn hơn trong những xúc cảm sâu lắng. Ta luôn cần sự im lặng để thấu hiểu đối phương. Ta cũng cần sự im lặng để giữ lòng mình mạnh mẽ, để có thể tự tin sống tốt. Nhưng tất nhiên, im lặng hay trò chuyện cũng đều chỉ là phương pháp. Vậy nên, bạn thân mến ơi… tôi mong cậu luôn có thể chọn một phương pháp phù hợp với trạng thái của cậu. Làm sao để cậu luôn thoải mái là chính mình trong bất kì mối quan hệ nào.
5. HÃY YÊU MỘT CÁCH CHỪNG MỰC
“Chúng ta có từ “QUÁ”, thường dùng để diễn ra cảm giác khi có điều gì vượt qua giới hạn chịu đựng. Những mối tình khiến ta mệt mỏi, có lẽ cũng vì thế mà ra. Lẽ ra chỉ cần yêu có chừng mực, nhưng rốt cuộc lại yêu quá nhiều. Vậy nên lần sau, cậu đừng yêu ai đó quá nhiều, mà hãy yêu một cách có chừng mực. Đừng dốc hết tâm can mà yêu một người. Nếu yêu nhiều quá, chỉ có cậu tổn thương mà thôi.“
Trong lòng Song Ah và Joon Young đều tồn tại mối tình đơn phương chưa từng nói ra với bất kì ai khác. Tình yêu ấy âm ỉ, nhưng lại quá nhiều day dứt. Nó không được bày tỏ nhưng lại có kết quả quá rõ ràng. Nó khiến “Do You Like Brahms?” mang dư vị vừa ngọt ngào, lại vừa đắng nhẹ.
Bởi tình yêu, bản thân nó luôn là một điều kì diệu. Nó biết chi phối cảm xúc của chúng ta, đưa lên đỉnh điểm, rồi lại kéo xuống đáy sâu. Tôi từng có tình yêu vào năm tháng sôi nổi nhất của tuổi trẻ, nhưng nhanh chóng đứt gãy. Vậy nên, tôi không thể biết liệu ta có thực sự kiểm soát được trái tim để đừng yêu quá nhiều như cách Joon Young đã nói hay không. Nhưng tôi hiểu ý của Joon Young. Ta nên tìm thứ tình cảm cho ta an yên, chứ không phải tổn thương. Bởi vì, tôi, cậu, và tất cả chúng ta đều xứng đáng với tình yêu.
6. HỌ CHỈ ĐÁNH GIÁ PHẦN BIỂU DIỄN TRÊN SÂN KHẤU
“Dù sao thì, có rất nhiều lý do đưa đến một phần trình diễn tệ, nhưng khán giả và các nhà phê bình không cần quan tâm đến vấn đề riêng của nghệ sĩ piano. Họ chỉ đánh giá phần trình diễn trên sân khấu vào lúc đó. Điều đó đúng mà. Nhưng cũng vì thế, tôi luôn cảm thấy áp lực khi trình diễn.”
Bản thân Joon Young là người có rất nhiều vấn đề riêng – Gia đình, cuộc sống và những mối quan hệ. Chúng “đày” tình yêu dành cho âm nhạc và piano của anh tới miền hoang lạc xa xôi. Cũng vì thế mà tôi đặc biệt đồng cảm với Joon Young khi anh nói ra điều này. Người nghệ sĩ diễn trước hàng trăm khán giả cần giữ tinh thần trách nhiệm với màn trình diễn của mình. Cũng như mỗi chúng ta ở đây đều cần giữ tinh thần trách nhiệm với công việc của mình.
Cậu không cần phải gồng mình chịu đựng nếu cậu thấy không ổn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta để những vấn đề riêng của mình ảnh hưởng tới tập thể. Không ai buộc phải quan tâm đến trạng thái, cảm xúc của ta. Cũng không tập thể nào phải chịu trách nhiệm cho hậu quả kéo theo, nếu ta xao nhãng. Hãy làm điều gì cần thiết để giữ sự chuyên nghiệp và trách nhiệm trong công việc nhé, bạn thân mến.
Tổng hợp những màn biểu diễn đầy cảm xúc trong “Do You Like Brahms?”
7. CÓ ƯỚC MƠ LIỆU CÓ PHẢI LÀ MỘT TÀI NĂNG?
“Hơi buồn là trong lĩnh vực âm nhạc, năng khiếu bẩm sinh có vai trò rất lớn. Nhưng có thể ước mơ, tôi tin đó là năng khiếu ưu việt nhất. Sau đó nỗ lực vì nó, thì ước mơ sẽ thành sự thật thôi”. (Park Joon Young)
“Do You Like Brahms?” đề cập khá nhiều đến TÀI NĂNG. Trong buổi talk show với các em học sinh, Joon Young được hỏi về những khó khăn khi KHÔNG CÓ năng khiếu âm nhạc. Anh đã đưa ra một câu trả lời mà bất kì khán giả nào cũng hài lòng và tán thưởng. Bản thân tôi khi xem tới phân đoạn ấy cũng cảm thấy được truyền cảm hứng. Nhưng suy nghĩ chợt thay đổi khi tôi được nghe lời bày tỏ của Song Ah. Song Ah đã cho tôi một góc nhìn hoàn toàn mới về những người có đam mê, có ước mơ nhưng khi không có đủ tài năng. Dường như, trong lòng luôn cảm thấy sự chăm chỉ vĩnh viễn là không đủ.
Có rất nhiều những người gặp khó khăn khi không có đủ tài năng, ngay cả khi họ yêu âm nhạc. Họ phải luyện tập chăm chỉ để trở nên tốt hơn. Đâu phải ai cũng có năng khiếu như cậu. Cậu nói rằng ước mơ là năng khiếu lớn nhất và rằng họ có thể đạt được ước mơ nếu họ nỗ lực hơn, trong khi cậu không biết cảm giác khi không có đủ tài năng là như thế nào? Cậu có hiểu được tâm trạng của việc không có tài năng không? (Chae Song Ah)
Tôi thích “Do You Like Brahms?” một phần cũng vì bộ phim luôn cho tôi những góc nhìn đa chiều.
Bạn thân mến, “Làm sao để theo đuổi ước mơ?” – Đó là câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng muốn tìm ra một đáp án hoàn hảo để có kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, đáp án hoàn hảo không tồn tại. Đó là lý do tôi mang đến cả hai trích dẫn trong cùng một đề mục. Tôi hi vọng, qua những chia sẻ ở hai góc độ khác nhau, cậu cũng có thể tìm thấy sự lựa chọn của trái tim mình.
8. CÔNG VIỆC KHIẾN TIM CẬU ĐẬP LOẠN NHỊP
Công việc này rất thú vị. Mình càng làm nó, lại càng muốn trở nên giỏi hơn. Mình muốn là người giỏi nhất ngành, muốn làm cả đời. Nghĩ đến điều gì đó làm tim loạn nhịp, cậu hiểu cảm giác đó không?
Yoon Dong Yoon lại là một nhân vật khá thú vị trong “Do You Like Brahms?”. Cậu đã chơi nhạc từ nhỏ, nhưng lại từ bỏ để trở thành nghệ nhân chế tác violin. Mọi người đều quan tâm đến lí do đằng sau quyết định ấy. Họ cũng quan tâm đến công việc mới liệu có khiến cậu hạnh phúc? Trong cuộc hội thoại với Han Hyeon Ho ở tập 5, ta được thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt và nụ cười của Dong Yoon. Hoá ra, dám từ bỏ đam mê để theo đuổi con đường phù hợp hơn hoàn toàn có thể mang đến niềm vui, chứ không chỉ là nỗi buồn. Nó hoàn toàn có thể là cảm giác đủ đầy, chứ không chỉ là mất mát.
Tôi từng nói với các bạn mới vào team của mình rằng – Một cách định nghĩa khác của “Công việc đam mê” là công việc mình chịu đựng được. Kiểu công việc mà làm ta thấy vui vẻ, thoả mãn trong những khoảnh khắc rời rạc. Thế là ổn.
Trong thực tế, phần lớn người được hỏi đều không thể dám chắc mình có đam mê hay không. Chúng ta làm việc vì mưu sinh, vì “nghề chọn người”, cũng có thể vì nhiều lý do khác. Nhưng dù sao, công việc vẫn là thứ cậu sẽ gắn bó 8 đến 10 tiếng mỗi ngày, trong suốt 25, 30 năm tới đây. Hãy dũng cảm theo đuổi lựa chọn làm cậu vui. Tôi hiểu là nói có thể dễ hơn làm. Cậu không cần ngay lập tức phải làm được điều đó trong ngày mai, ngày kia. Nhưng hãy kiếm tìm, và nếu tìm ra, hãy làm từng bước để đạt được công việc ấy.
9. MỐI QUAN HỆ CÂN BẰNG
Bà hiểu dù là đồng nghiệp hay bạn bè thì phải có sự cân bằng để có thể thoải mái với nhau. Nếu một người quá thành công hoặc thua kém thì suy nghĩ không tốt sẽ phát sinh. Lúc còn đi học thì không sao, nhưng bước vào xã hội thì khác. Một người là chủ tịch quỹ, một người là nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới, cháu hãy là giáo sư của trường Syeong Ryeong.
Tôi từng nghĩ – “Mối quan hệ của Joon Young, Jeong Kyeong và Hyeon Ho sẽ không trở nên toan tính như Chủ tịch Na nói đâu nhỉ?”. Nhưng, cậu thấy đấy, rốt cục tôi vẫn chọn trích dẫn câu này trong bài viết hôm nay. Bởi sự thật đó có tồn tại, tồn tại ngay trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta.
Cậu có còn nhớ về người bạn thân cũ lâu rồi không gặp lại? Cậu có từng cảm thấy tự ti, hay chạnh lòng khi nghĩ bạn bè đang hơn mình? Dẫu chỉ là thoáng qua thì cái gọi là “KHOẢNG CÁCH” về địa vị xã hội, tiền bạc, thì cảm giác lúc ấy vẫn có thể khiến lòng ta nặng nề. Tôi chỉ mong là cậu có thể chọn lựa – Dao động theo cách tích cực, hay tiêu cực? Liệu cậu có thể biến “Khoảng Cách” đó trở thành động lực để trở nên tốt hơn không? Chúng ta dùng câu hỏi này để tự hỏi lòng mình và thật cố gắng nhé!
10. HÃY GỌI CHO TÔI KHI BUỒN VÀ CẢ KHI VUI
“- Hãy gọi cho tôi nếu cậu có một ngày tồi tệ.
– Không đâu, tôi sẽ gọi cậu cả khi có một ngày tốt lành.
– Ừ, thế tốt hơn nhiều. Chắc chắn là phải gọi tôi nhé. Hứa nhé!”
Nói về cách xây dựng tình yêu của Song Ah và Joon Young trong “Do You Like Brahms?”, đây chính là chi tiết mà tôi yêu nhất. Thời điểm này, hai người chưa yêu nhau, họ mới chỉ làm bạn. Họ chưa nắm tay nhau, chỉ mới có những cái chạm rất nhẹ. Song Ah và Joon Young của thời điểm này dành cho nhau một lời hứa giản đơn như điều hiển nhiên. Thế mà vẫn đủ ngọt ngào để khiến họ mỉm cười sau ngày dài mệt mỏi. Một cái ngoắc tay đã thắp lên trong lòng họ ngọn lửa nhỏ, dịu dàng sưởi ấm trái tim cô đơn vì tình cảm đơn phương.
Tôi luôn bị hấp dẫn bởi những điều giản dị đến mức nhỏ bé, hiển nhiên như thế. Tôi không tin vào sự mãnh liệt của tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. So với điều đó, tôi mong tình yêu ở bên mỗi chúng ta như một sự đồng hành, như một cái nắm tay hơn là một nụ hôn kiểu Pháp. Bởi vì… “tình yêu làm cho ta trẻ” – Câu hát rất hay trong “hai triệu năm” đã bày tỏ rồi.
“”Hôm nay đã xảy ra chuyện này rất vui”. “Tôi đang buồn lắm”. “Tôi rất mệt mỏi”. “Tôi muốn khóc”. Tôi muốn trở thành người bạn cậu có thể chia sẻ những chuyện như vậy.“
11. TA SẼ MÃI NHỚ VỀ TỔN THƯƠNG MÌNH GÂY RA
“Thời gian qua đi, ta sẽ nhớ về những tổn thương ta gây ra, hơn là những tổn thương ta nhận lấy.”
Tôi rất muốn dành cho Jeong Kyeong đôi lời an ủi. Nhưng thật khó để bắt đầu khi chính lòng tôi cũng hoài nghi và từng thấy giận cô ấy. Mang theo một trái tim bị tổn thương sau khi mẹ mất và tài năng giảm sút, cô ấy chọn cách gây tổn thương cho những người quan trọng nhất bên cạnh mình. Tất cả chỉ đểể khoả lấp sự trống rỗng trong lòng. Và rồi, họ lần lượt rời đi, để mình cô đơn độc, loay hoay tìm lại bản ngã của mình.
Liệu chúng ta có từng, vô tình hay cố ý, gây tổn thương cho người khác vào lúc mình không ổn? Tôi… nghĩ đến mẹ mình, ngay khi viết ra câu hỏi này. Trong suốt quá trình trưởng thành, từ khi là đứa nhóc mười mấy, rồi cô gái hai mấy tuổi đã biết lăn lộn ngoài xã hội, tôi biết rõ mình đã rất nhiều lần vì áp lực, cảm xúc tiêu cực, vì thất bại,… mà bộc phát sự tức giận với mẹ, dù mẹ không làm gì sai cả. Những tổn thương đó tôi nhớ kĩ hơn bất kì khi nào mẹ mắng hay phạt mình. Tôi nghĩ, ai trong chúng ta cũng sẽ cất giấu sự áy náy dành cho một người nào đó. Và lúc này, ta chỉ có thể cố gắng bù đắp bằng hành động quan tâm nhau nhiều hơn.
12. TÔI KHÔNG MUỐN VÌ CẢM XÚC MÀ BỎ LỠ CƠ HỘI HỌC HỎI
“Dù cảm xúc của tôi dành cho cậu quan trọng, nhưng tôi vẫn còn những thứ khác mà tôi thích làm và muốn làm tốt. Bây giờ với tôi, thi cao học thực sự quan trọng. Vì thế, tôi không muốn vì cảm xúc mà bỏ lỡ cơ hội được học thêm điều mới.”
Cùng với Song Hwa (Hospital Playlist), Song Ah của “Do You Like Brahms?” chính là cô gái mà tôi rất yêu. Dõi theo cô ấy, tôi luôn được truyền cảm hứng tích cực, để nỗ lực sống tốt hơn. Đó cũng là lý do tôi dành riêng cho Song Ah một bài viết dài tại đây.
Đối với tôi, tình yêu là lớp trang điểm tuyệt đẹp tôn lên nét nữ tính của một cô gái. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thứ khác mà cô gái ấy có thể làm vì bản thân. Vẻ đẹp của họ không chỉ nằm trên gương mặt, mái tóc, hay đôi tay. Họ còn toả sáng hơn bội phần với ánh mắt lấp lánh nói về đam mê, với trái tim nóng rực khi làm điều mình thích. Tôi mong mọi cô gái đều sẽ tuyệt vời theo một cách độc lập và chủ động như vậy.
13. DÙ CÓ CHẠY TRỐN THÌ MỌI VIỆC VẪN KHÔNG TỐT LÊN
“Có những bản nhạc không dành cho anh. Anh rất muốn biến nó thành của mình, nhưng lại chỉ mệt mỏi và khó khăn hơn. Rồi sau đó anh muốn bỏ trốn, tìm bản dễ chơi hơn. Dù có chạy trốn, mọi việc vẫn chẳng tốt lên. Càng ngày càng khao khát chơi được bản mà mình đã bỏ lại. Rồi lại thấy đau đớn. Rồi nhớ nhung. Thế nên anh hi vọng em sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định đổi qua bản nhạc khác, dù đó cũng chỉ là kinh nghiệm của riêng anh.”
Người nghệ sĩ chơi nhạc theo cảm xúc. Nhưng khi biểu diễn trước khán giả, họ vẫn sẽ phải chơi nhạc vì người khác. Vì vậy, họ cũng thấy khó khăn khi gặp những bản nhạc mà không thể thể hiện tốt được. Họ cũng như mỗi chúng ta. Có những công việc dù làm đi làm lại bao nhiêu lần ta vẫn thấy sợ hãi và áp lực. Thế nhưng, như Joon Young nói, tôi cũng tin rằng: Nếu không làm đến cuối, có lẽ sự nuối tiếc sẽ đeo đuổi chúng ta rất lâu.
Bạn thân mến, tôi rất thích câu trích dẫn: “Khi muốn từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do vì sao mình bắt đầu”. Cố gắng hết mình không có nghĩa là sẽ đạt kết quả tốt. Nhưng ít nhất, chúng ta vẫn có thể dám chắc sẽ không còn điều gì khiến ta phải hối tiếc.
14. TRÁI TIM CẦN NỖ LỰC BAO NHIÊU ĐỂ VƯỢT QUA KHOẢNG CÁCH THỜI GIAN?
Vì bắt đầu quá trễ, sẽ rất khó để dùng tấm lòng mình để đánh bại khoảng thời gian đã tích luỹ trong quá khứ sao?
Đối với Song Ah, khoảng cách giữa cô với âm nhạc và tình yêu cho Joon Young là khoảng cách của thời gian trong quá khứ. Nếu bạn bè trong lớp đã luyện tập violin suốt 10, 15 năm, thì cô mới chỉ có 4 năm. Nếu tình cảm đơn phương của Joon Young với Jeong Kyeong đã âm thầm bén rễ suốt những năm tháng trưởng thành, thì tình yêu của cô và anh chỉ mới chỉ bắt đầu. Sự xa cách mà Song Ah phải gánh vác không thuộc về địa lý, không thể đo đếm vật lý. Nó thuộc về QUÁ KHỨ. Nhưng làm sao đây khi quá khứ là chuyện đã qua không bao giờ thay đổi được?
Ta luôn đau khổ vì quá khứ
Câu hỏi mà Song Ah tự hỏi mình khiến cho tôi cảm thấy xót xa. Khi chúng ta cứ nhìn về quá khứ và cho rằng quá khứ là đối thủ phải vượt qua, thì ta luôn cảm thấy đau khổ.
Bản thân tôi cũng từng có khoảng thời gian mắc kẹt với những hậu quả sau biến cố. Cho đến một ngày nọ, tôi chợt tỉnh ngộ. “Tại sao tôi lại dùng hiện tại và tương lai để bù đắp quá khứ?“. “Tại sao tôi cứ mải quay đầu nhìn lại, để rồi chịu đau đớn như từng vết rạch xé nát trái tim mình?“. Khi đó, tôi quyết định mình không nên trả giá cho quá khứ bằng tương lai nữa. Tôi phải sống cho hiện tại. Tôi nên tiến đến tương lai vì chính tầm quan trọng của một tương lai tốt đẹp hơn.
Bạn thân mến, buông bỏ quá khứ cũng là một cách để yêu thương bản thân hơn. Vì thế, tôi mong cậu sẽ sớm làm được điều này.
15. NẾU CẬU THẤY KHÔNG ỔN THÌ CHÍNH LÀ KHÔNG ỔN
Nếu việc em làm không thấy không ổn, thì em có thể từ bỏ. Đừng bận tâm điều mọi người nói, cứ chọn con đường mình thấy hạnh phúc. Dù là violin hay không, cứ chọn cái em thấy hạnh phúc.
Hành trình theo đuổi violin của Song Ah dần tiến đến ngã rẽ mới khi cô kết thúc 4 năm học đại học. “Bước vào cuộc đời với vị trí nào?. “Công việc gì sẽ gắn bó với cô tiếp sau đây?“. Bản thân Song Ah cũng trăn trở rất lâu mà không thể đưa ra quyết định. Bởi vì trong lòng cô còn nhiều phân vân. Tình yêu dành cho violin vẫn còn, nhưng thực tế thì luôn nhắc nhở cô không-phù-hợp. Chị gái Song Ah đã động viên cô hãy chọn con đường mình hạnh phúc. Và tôi nghĩ, chẳng còn điều gì ta làm được cho người thân yêu của mình hơn lời nói đó.
Chọn một lối đi cho tương lai là quyết định mà chúng ta phải tự mình đưa ra. Bởi vì “Tiếp tục” hay “Từ bỏ” đều sẽ tồn tại khía cạnh hi vọng và thất vọng cùng một lúc. Vào thời điểm khó khăn như vậy, tôi thường ở một mình. Sự im lặng sẽ giúp tôi lắng nghe được trái tim mình. Tôi trò chuyện với nó để biết nó thổn thức vì điều gì. Khi trái tim đủ mạnh mẽ, ta mới sẵn sàng để bước tiếp.
16. EM ĐÃ TỔN THƯƠNG MÌNH VÌ THẤU HIỂU CHO ANH
“Em đã tổn thương mình quá nhiều khi cố gắng hiểu cho nỗi lòng của anh. Em không muốn làm như vậy nữa.”
Song Ah và Joon Young phải đi một đường vòng rất lớn trước khi thực sự đến được với nhau. Một người cần buông bỏ tình cảm đơn phương và món nợ ân tình đã giày vò anh nhiều năm qua. Một người phải vượt qua sự mặc cảm về trình độ, đẳng cấp; vượt qua lời bàn tán không hay của những người xung quanh. Bởi vậy nên, thời gian ngắn ngủi ở bên nhau, họ phải dùng nhiều nỗ lực hơn bất kì khi nào. Nhiều tới mức tự làm tổn thương mình.
Vết thương lòng của Song Ah khiến tôi thấy buồn và đồng cảm. Quả thực, mọi mối quan hệ đều cần thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian. Chúng ta cần thích nghi với cuộc sống có thêm một người quan trọng. Ta cũng phải dần dần xuống những “bức tường” bao vệ trái tim nhạy cảm. Tất cả những điều này đều cần thời gian, chứ không thể vội vàng. Vậy nên, bạn thân mến, trước khi bắt đầu một mối quan hệ, cậu hãy thật từ tốn và thận trọng. Đừng để mình bị tổn thương vì chính tình yêu. Đừng để nỗi đau khiến ta đánh mất tình yêu vốn dĩ dành cho mình. Điều đó sẽ đáng tiếc biết bao.
“Chỉ khi buông tay, và khi thực sự mất đi, tôi mới nhận ra, tôi không chỉ yêu anh ấy, mà là đã yêu anh ấy rất nhiều. Tôi không thể quyết định mình sẽ yêu một người tới mức nào từ khi bắt đầu”.
17. DÙ BỊ TỔN THƯƠNG THÌ KHOẢNH KHẮC ĐÓ, EM ĐÃ HẠNH PHÚC
Yêu thích nó và tự làm mình tổn thương là do em lựa chọn. Và mọi thứ kết thúc như thế này đây. Nhưng trong khoảnh khắc đó… em nghĩ mình đã hạnh phúc. Em nghĩ, như thế là đủ.
Định nghĩa về “Sự Dũng Cảm” có thể là liều mình vào hiểm nguy vì lý tưởng của bản thân. Cũng có thể là chậm rãi buông bỏ đam mê từng khiến mình hạnh phúc. Đối với tôi, điều đáng ngưỡng mộ nhất ở Song Ah chính là lòng dũng cảm ở hai thời điểm. Một là khi cô quyết tâm theo học violin. Hai là khi cô quyết định ngừng chơi violin.
Tôi luôn cảm thấy, buông bỏ điều mình thích giống như ta phải xé một mảnh trái tim mình xuống. Cái ta còn lại là một trái tim rỉ máu, cứ âm ỉ đau đớn. Những dù đau đến mấy, thì khi nhớ lại quá trình mình từng hết lòng, thì dù kết quả không như mong đợi, ta vẫn thấy được an ui. Ta vẫn sẽ vô thức mỉm cười. Quá trình đẹp đẽ ấy chính là kí ức đáng nhớ. Mà kí ức lại chính là “kho báu” đối với một người.
18. KHI TÔI THẤY MÌNH NHỎ BÉ NHẤT
Khi tôi cảm thấy mình nhỏ bé nhất cũng là lúc tôi bắt đầu trỗi dậy, crescendo* của tôi bắt đầu.
(“Crescendo”: Louder and louder)
Quyết định từ bỏ violin là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình trưởng thành của Song Ah. Câu thoại này vốn dĩ là của Trưởng phòng Cha dành cho Song Ah, khi chị mời cô bắt đầu công việc mới. Bản thân Song Ah khi ấy không đủ tự tin là mình có thể làm được. Và lời động viên của trưởng phòng Cha đã tiếp thêm cho Song Ah sức mạnh. Cũng là tiếp thêm sức mạnh cho bất kì ai đang chuẩn bị hành trang cho một khởi đầu mới.
Bạn thân mến, chúng ta sẽ không thể tốt mọi thời điểm, cũng không tốt ngay từ lúc đầu tiên. Nhưng hãy cứ tin, vào thời điểm ta biết mình rất nhỏ bé ấy, nghị lực mới sẽ trỗi dậy, giúp ta vững vàng hơn. Hãy cứ tiếp tục làm những gì cậu đã làm. Rồi mọi thứ sẽ dần tốt hơn khi ta không ngừng phấn đấu. Chắc chắn là vậy.
19. TÔI SẼ LẠI YÊU BẰNG CẢ TRÁI TIM
“Dù cho có phải chịu tổn thương, thì tôi vẫn sẽ lại yêu bằng cả trái tim, và tiếp tục tiến về phía trước.“
Trong tập phim đầu tiên, sau khi bị đuổi khỏi dàn nhạc, Song Ah đã đứng lặng lẽ trong căn phòng phía xa sân khấu. Ở tập 3, sau khi xem xong một buổi biểu diễn, Song Ah đứng tần ngần trước cánh cửa bên cánh gà. Cô đã không thể bước qua vạch ranh giới rất nhỏ ấy. Ở tập 5, vì để hỗ trợ nghệ sĩ violin sắp biểu diễn, Song Ah phải nhường giày của mình. Cô ngại ngùng mở cửa cho nghệ sĩ bước vào, sau đó ngồi một mình ở phòng chứa đồ. Ta chưa từng thấy Song Ah được bước lên sân khấu với tư cách là người nghệ sĩ violin.
Và rồi, cho đến cảnh phim cuối cùng, ta lại được thấy Song Ah đứng trước cánh cửa dẫn lên sân khấu. Cô chậm rãi bước đi trong sự cổ vũ của Joon Young. Lần này, cô có một tư cách mới nhưng nụ cười đã ngọt ngào hơn.
Ở đoạn kết của bài viết này, tôi muốn gói ghém lại hành trình đẹp đẽ của Song Ah. Đó là một hành trình không hề dễ dàng, cũng mỗi chúng ta, trưởng thành cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, Song Ah đã luôn hướng về tương lai với tinh thần kiên định và mạnh mẽ. Dù là đam mê hay tình yêu, cô biết những điều đó đều có thể gây ra tổn thương. Nhưng trái tim của cô vẫn sẽ tiếp tục yêu, tiếp tục tiến về phía trước. Song Ah có thể làm tốt điều đó, vậy thì mỗi chúng ta cũng có thể đúng không?
1 Comment
Pingback: Bài Viết Đặc Biệt Về Chae Song Ah (Do You Like Brahms?) - CHUNG