LỜI MỞ ĐẦU
Bạn thân mến, có lần thất bại nào khiến cậu không thể quên?
Tôi có một kỉ niệm đáng buồn. Đó là vào một lần, tôi cần phải thuyết trình ý tưởng của team trước sếp và các bạn đồng nghiệp thuộc bộ phận khác. Nhưng, tôi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi bắt đầu nói, tôi đã nói… lung tung chẳng theo hệ thống nào. Tôi cần nói bằng tiếng Anh, nhưng lại chẳng nói nên câu. Và khi tôi ngừng lại, tất cả mọi người im lặng. Một sự im lặng đáng sợ và ám ảnh.
Từ sau lần đó, nhiều đồng nghiệp bàn tán về năng lực của tôi. Bản thân tôi cũng trở nên khép mình và luôn sợ hãi việc phải thuyết trình trước đám đông. Cho đến bây giờ, cũng đã vài năm qua đi, tôi vẫn thấy khó thở, run rẩy mỗi khi nghĩ đến việc bước vào phòng họp rồi trình bày một điều gì đó cho người khác. Đối với tôi, sự kiện đó là một trong những thất bại không thể quên.
1. HỌC CÁCH CHẤP NHẬN THẤT BẠI.
Cậu biết không, khi chuyện xảy ra, tôi đã nghĩ mình sẽ bị đuổi việc. Tuy nhiên, kết quả tồi tệ nhất không xảy ra. Bởi vì, mọi người trao cho tôi thêm cơ hội và năng lực của tôi dần được khẳng định qua những khía cạnh khác của công việc. Tôi không biết, liệu mọi người còn nhớ nhiều đến thất bại của tôi không, nhưng tôi có thể biết, mọi người tin tưởng tôi khi giao thêm cho tôi những trọng trách mới.
Tư duy cố định và Tư duy phát triển
Trong tâm lý học nhắc đến khái niệm về tư duy cố định và tư duy phát triển.
“Tư Duy Cố Định” (Fixed Mindset) có thể hiểu là việc ta tin một cách tuyệt đối rằng: Thất bại của hôm nay đã đặt dấu chấm hết cho toàn bộ sự nghiệp. Ta chẳng còn cách nào để thay đổi và trở nên tốt hơn được nữa. Phản xạ đầu tiên khi gặp thất bại là đổ lỗi cho bản thân. Thứ tâm lý cứng nhắc và chật hẹp ấy sẽ là rào cản, cản bước ta dấn thân đến với trải nghiệm mới. Thử nghĩ xem, liệu cậu có muốn thoả hiệp với cuộc sống an toàn, và những thói quen được lập trình lặp đi lặp lại không?
Nếu cậu không muốn điều đó, hãy xây dựng một “Tư Duy Phát Triển” (Growth Mindset). Ở đó, chúng ta chấp nhận thất bại và điểm yếu, nhưng ta tin bản thân sẽ có những cơ hội mới để thay đổi, vào lần thứ 2, thứ 3, thứ n.
Tư duy phát triển giúp ta mau chóng vượt qua thất bại. Mặt khác, điều quan trọng hơn, là ta có thể học cách chuẩn bị tốt khi đối diện với nguy cơ gặp thất bại.
Khi làm một việc gì đó, nếu ta không chắc chắn mình sẽ thành công, vậy cậu có thể nghĩ xem:
– Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
– Ta sẽ ứng phó với kết quả tệ nhất ra sao? Có những ai hoặc điều gì có thể giúp cậu?
– Cậu sẽ học được điều gì sau khi thất bại? (Nghĩ về thất bại ngay cả khi nó chưa xảy ra)
Khi đủ dũng khí đón nhận viễn cảnh xấu nhất, thì kết quả thực sự có ra sao cũng dễ thoả hiệp hơn nhiều, đúng không?
Bạn thân mến,
Tôi tin là mọi người đều sẽ có những lần thất bại, tôi cũng thế và cậu cũng thế. Chúng ta không thể sống trong vỏ ốc an toàn mãi mãi. Bởi rủi ro sẽ luôn tồn tại như một điều hiển nhiên vậy. Bất kì việc gì ta làm đều sẽ chỉ có 50% cơ hội thành công, và 50% còn lại là khả năng thất bại. Dẫu ta muốn tránh cũng không tránh được, vậy còn gì để sợ nữa đây?
Hãy cứ tin là chấp nhận thất bại cũng chỉ là một dạng kĩ năng mà ta có thể rèn luyện. Hãy cứ dũng cảm tiến lên phía trước đi. Ta sẽ cần nhiều lần thất bại nữa trước khi quen với nó. Mong cậu tin tưởng như vậy.
2. TIN TƯỞNG MÌNH VẪN CÒN NHIỀU ĐIỂM TỐT
Quay lại với câu chuyện của tôi ở đầu lá thư này. Cậu biết không, sau lần thất bại ấy, tôi đã bị bủa vây bởi nhiều “feedback” tiêu cực. Tôi bị hoài nghi về năng lực và trở thành ví dụ điển hình của một nhân sự không biết thuyết trình. Những nhận xét đó đến từ một số đồng nghiệp, từ sếp của tôi, và cũng đến từ bản thân tôi nữa. Tôi đã tự ti suốt quãng thời gian dài.
Nhưng…
Nếu được quay ngược thời gian để nói cho tôi-của-khi-ấy biết nên làm gì, tôi sẽ bảo “nó” hãy tìm lại những điểm tốt khác trong mình.
Đồng nghiệp trực tiếp làm việc cùng tôi vẫn tin tưởng khả năng chuyên môn của tôi. Bạn nói với tôi, những bài tôi viết không cần bạn sửa quá nhiều. Trong quá trình làm việc, có nhiều lần khách hàng duyệt bài viết của tôi rất nhanh. Bản thân tôi không làm chậm deadlines, nên các đồng nghiệp thường không cần thúc giục liên tục.
Giờ nhìn lại, thấy có vẻ hiệu quả công việc chuyên môn của tôi… hừm, khá ổn đấy chứ?! Hehe.
Tôi nghĩ, không chỉ tôi, mà bất kì ai trong chúng ta cũng có những điểm mạnh riêng, trong công việc, và cả trong cuộc sống. Cậu nên nghĩ về chúng nhiều hơn nghĩ về các thất bại. Cậu cũng có thể nhờ một người bạn thân thiết nhắc cậu nhớ về điểm tốt của mình. Việc này không phải để cậu ngạo nghễ như một người chưa từng thất bại, mà chỉ là để giúp cậu tin tưởng ở bản thân… rằng – “Cậu luôn có nhiều điểm tốt hơn thất bại đã từng trải qua“.
3. HỌC CÁCH YÊU THƯƠNG BẢN THÂN
Khi gặp thất bại, người phán xét nghiêm khắc nhất là chính bản thân cậu.
Hãy thử tưởng tượng nhé, nếu bạn thân của cậu gặp phải thất bại tương tự, cậu sẽ nói với họ điều gì? Có phải là: “Cậu thất bại rồi, cậu chẳng thể làm gì được nữa đâu!”. Hay cậu sẽ muốn nói: “Vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước. Đừng dễ dàng bỏ cuộc!”. Cậu cũng nên đối xử với bản thân như cách cậu đối xử với người khác. Đó là một trong những cách để yêu thương bản thân nhiều hơn.
Để giúp cậu giảm bớt cảm giác áp lực sau thất bại, tôi có gợi ý thế này:
Ghi lại một cách chân thành những cảm xúc của cậu, không phóng đại, cũng không chối bỏ.
Hãy tránh dán nhãn lên bản thân (Mình thất bại rồi, sự nghiệp đã đi tong). Cũng đừng giả vờ như thất bại không tồn tại (Mình ổn mà, không sao hết!). Thay vào đó, tôi mong cậu sẽ từ tốn và thẳng thắn nhìn nhận cảm xúc mình có… “Mình thấy ngượng ngùng và sợ hãi”…
Nhưng rồi, nhớ nhắc nhở bản thân rằng cậu không hề cô đơn.
Bởi vì sự thực là ai cũng sẽ trải qua vài lần thất bại trong cuộc đời. Từ các tỷ phú, thiên tài, cho đến những người bình thường giản đơn là chúng ta. Chúng ta cố gắng không phải để trở thành người hoàn hảo, mà là để trở nên tốt hơn sau từng chặng hành trình của mình.
4. THOÁT KHỎI VIỆC NGHĨ QUÁ NHIỀU
Thay vì không ngừng chỉ trích bản thân sau thất bại, cậu nên cho phép mình thả lỏng bằng một số hoạt động nhỏ, như là
– Đi dạo và nhìn ngắm cây cối. Thiên nhiên có thể giúp cậu cảm thấy dễ chịu và thả lỏng hơn
– Khi cậu nghĩ quá nhiều về sự thất bại, cậu hãy liên tưởng đến biển báo “DỪNG LẠI” – STOP, như một cách gợi nhắc bản thân phải thoát ra khỏi dòng suy nghĩ tiêu cực và trở lại với thực tại. Mọi chuyện đều đã qua rồi, bạn thân mến
– Ngoài ra, cậu cũng đừng quên nuôi dưỡng thói quen viết nhật kí biết ơn mỗi ngày. Như vậy, cậu sẽ luôn nhớ đến các khía cạnh tích cực vẫn luôn tồn tại bên mình.
– Hoặc là, làm bản thân bận rộn với nhiệm vụ nào đó. Như làm bánh, dọn dẹp, tập thể dục,… Hoạt động thể chất giúp cậu thấy thoải mái hơn sẽ có ý nghĩa hơn cứ mải mê với suy nghĩ tiêu cực.
5. TĂNG “KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH” BẰNG CÁCH TRẢI QUA NHỮNG RỦI RO NHỎ HẰNG NGÀY
Cậu còn nhớ, ở phía trước, tôi có từng nói rằng việc chấp nhận thất bại cũng là một kĩ năng mà chúng ta có thể luyện tập? Vậy thì, hãy thử tạo ra các “thất bại” nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.
– Mặc cả khi mua đồ.
– Đưa ra lời đề nghị hoặc rủ rê bạn bè, người thân làm việc gì đó táo bạo
– Tình nguyện tham gia dự án khiến cậu lo lắng (Nhưng không khiến cậu quá sợ hãi và áp lực).
– Thử một hoạt động mà cậu chưa từng thử (Tôi đã chọn chơi cầu trượt tốc độ cao).
Có thể cậu không tin lắm… Nhưng nhiều lần va chạm với những vấn đề nhỏ sẽ giúp cậu cải thiện khả năng ứng phó với những vấn đề lớn hơn. Việc thử thách bản thân với những trải nghiệm mới không chỉ giúp cậu làm quen với sự thất bại, mà còn tăng thêm vốn sống, xây dựng lòng tự tin trước những rủi ro trong cuộc sống.
Bạn thân mến,
Trong bài chia sẻ của blogger, tác giả sách Jia Jangtrên TED, anh đã chia sẻ về quá trình 100 ngày nhận sự từ chối, bắt đầu từ những điều tưởng như vô lí, cho đến những thành tựu lớn hơn khi anh đứng trước hàng trăm người để kể lại quá trình của mình, anh có nói rằng:
“Những người có thể thay đổi Thế giới, thay đổi cách chúng ta sống và cách chúng ta nghĩ, là những người từng bị từ chối phũ phàng ngay từ đầu. Những người như Martin Luther King Jr., Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, hoặc ngay cả Chúa. Họ không để những lần bị từ chối ấy định nghĩa mình. Thay vào đó, họ dùng hành động thực tế sau đó để định nghĩa mình. Họ chấp nhận những sự từ chối.”
Bạn thân mến,
Thất bại không hề là chuyện dễ vượt qua, nhưng nó là một phần của cuộc sống, bên cạnh nó, còn nhiều điều quan trọng hơn. Tôi mong là cậu sẽ chỉ buồn hôm nay, ngày mai, ngày kia thôi. Rồi khi qua tuần sau, tháng sau, hay nhiều năm sau nhìn lại, cậu có thể hài lòng vì cuộc sống của mình đã tốt hơn thất bại cũ rất nhiều.
Chúc mỗi chúng ta đều mạnh mẽ đối diện với cuộc sống!
Nguồn bài viết gốc: Everyone Fails. Here’s How to Pick Yourself Back Up.
Chuyển ngữ, biên tập và chỉnh sửa theo trải nghiệm cá nhân bởi “CHUNG”.
LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>
1 Comment
Pingback: Sự Nghiệp: Tôi Chọn Gì Giữa Công Việc Toàn Thời Gian Và Làm Freelancer? - CHUNG