The Letters | CHUNG

[Letter #14] Giải Thoát Khỏi Trách Nhiệm Gia Đình Quá Mức

Xin chào bạn thân mến,

Lời đầu tiên, tôi nghĩ, đây không phải là một lá thư dành cho tất cả mọi người. Tôi đã lo ngại rằng, liệu mình có khiến mọi người hiểu nhầm đây là một lời cổ vũ của sự ích kỷ chăng? Tôi không có ý như vậy. Khi viết ra những dòng này, người tôi nghĩ đến là những người đã từng nằm trong đêm khuya, khóc vì bất lực vì không biết phải làm gì hơn để gánh vác những trách nhiệm gia đình nặng nề.

Tôi biết giới hạn của một lá thư ngắn, chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là trách nhiệm gia đình, một nhóm đối tượng nhỏ là những người trẻ tuổi, đôi khi sẽ không thể toàn diện và trọn vẹn. Xin hãy cảm thông cho tôi về sự hạn chế của cá nhân tôi. Và nếu theo dõi tiếp, xin hãy mở lòng đón nhận những chia sẻ này một cách bao dung nhất.

Unsplash@Gavin Wilson

VỀ NHỮNG TRÁCH NHIỆM QUÁ MỨC

Một bộ phim Trung Quốc, tên là “Những Đứa Con Nhà Họ Kiều” kể về hành trình 30 năm trưởng thành của 5 anh em trong một gia đình. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, nhưng nhân vật tôi đồng cảm nhất là anh cả Nhất Thành. Người đóng vai trò vừa làm cha thay người cha gia trưởng, cục cằn, vừa làm mẹ thay người mẹ qua đời sớm, và vừa làm anh trai cả như chỗ dựa tinh thần cho các em.

Dù không tránh khỏi những khi xung đột lẫn nhau, những lúc vấp ngã, thất bại, nhưng 5 anh em vẫn đồng lòng sát cánh. Trong đó, anh cả Nhất Thành nhận được sự tin tưởng hoàn toàn từ các em, trở thành người gánh vác mọi khó khăn, giải quyết biến cố và luôn đưa ra quyết định khi cần thiết. Điều này, nghe sao mà uy nghiêm, đáng ngưỡng mộ quá, nhưng thực ra, nó cũng chính là trách nhiệm nặng nề đi theo anh cả Nhất Thành suốt cuộc đời.

Mãi trong giai đoạn cuối của bộ phim, tôi mới thấy có 1 chi tiết nhỏ nhắc về tâm tư cá nhân của anh. Đó là ước muốn được sống trong một gian phòng riêng.

Nói như vậy không có nghĩa là anh muốn tách biệt khỏi gia đình. Chỉ là, anh cũng có mong muốn về cuộc đời mà anh được sống cho chính mình, không phải gánh vác những trách nhiệm quá mức, đến khi đổ bệnh vẫn chỉ lo làm phiền đến các em.

Có lẽ rằng, những người nán lại để nghe lá thư hôm nay của tôi đều đồng cảm với hai chữ “Trách nhiệm”… thậm chí là những trách nhiệm quá mức trong gia đình có thể khiến ta muốn gục ngã.

Ở đâu đó, có người con cả luôn tủi thân vì mang trách nhiệm lớn với gia đình, luôn phải nhường nhịn em út, và phải biết gánh vác gia đình cùng cha mẹ.

Ở đâu đó, có người con út thấy hờn giận vì cha mẹ đã dồn hết mọi thứ để chăm lo cho người anh ham chơi, người chị vô tâm, để rồi, mìnhchưa kịp trưởng thành, đã phải tự đặt bản thân vào vị trí trụ cột của gia đình.

Ở đâu đó, có người con thứ luôn phải nhẫn nhịn mọi điều vì anh chị lớn thì hờ hững mà em nhỏ thì chưa hiểu chuyện.

Sẽ luôn có

những người con trai phải gánh vác trọng trách của gia đình khi biến cố xảy đến

những người con gái cảm thấy mình ở bên lề, vì suy nghĩ “lấy chồng rồi sẽ thành người ngoài”.

Và đôi khi, ta chỉ ước mong được một lần tiêu cho hết tháng lương mình làm ra, không cần trả nợ thay cho gia đình, thế là quá đủ để hài lòng rồi.

Nhưng 

Xã hội vẫn tồn tại rất nhiều gia đình với vô vàn biến cố khó khăn. Và ngày hôm nay, tôi viết lá thư này, thực lòng là rất khó để bắt đầu, nhưng tôi muốn cố gắng hoàn thành. Bởi có lẽ, rất ít người nói với cậu rằng… Cậu là người tốt, và cậu không nhất định phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm như cậu đang nghĩ.

Unsplash@Bernhard

CẬU KHÔNG CẦN GÁNH VÁC TOÀN BỘ TRÁCH NHIỆM

Bạn thân mến, cậu có nhớ không? 

Khi còn nhỏ, ta được dạy rằng, gia đình là một thể gắn kết chặt chẽ nhất mà ta không thể từ bỏ, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Nhiều khi, ta cảm thấy mong muốn của gia đình quan trọng hơn mong muốn của chính mình. Vậy là ta chọn gác lại tâm tư riêng để cố gắng làm hài lòng người thân.

Tư tưởng đó đã bén rễ trong đời sống của chúng ta từ nhiều năm nay và trở thành kim chỉ nam cho cách ta sống. Tôi đoán chừng, những người trong độ tuổi trên dưới 30, thuộc thế hệ 9x như tôi sẽ càng đồng cảm với điều này.

Chỉ là…

Ta đã quên rằng, trách nhiệm với gia đình là dành cho tất cả mọi thành viên, chứ không riêng gì một ai. Chúng ta cần học cách san sẻ vấn đề với nhau, trước cả khi tìm cách giải quyết. Bởi vì mọi nỗ lực từ một phía đều không mang lại kết quả tốt đẹp. Và rằng, dù có thế nào thì mỗi người chúng ta vẫn có một cuộc đời riêng. Ta cần phải tự mình sống tốt trước, thì mới có đủ sức để chăm lo cho người thân của mình.

THẲNG THẮN ĐỐI DIỆN VỚI VẤN ĐỀ 

Đối với tôi, đối diện với vấn đề luôn là việc đầu tiên cần phải làm, để đưa tất cả những trách nhiệm ra ánh sáng, để mọi người trong gia đình đều được biết họ phải đối diện với biến cố gì. Cậu có thể cảm thấy việc này vô cùng khó khăn, nhưng sẽ không có sự lựa chọn nào khác cho chúng ta ngoài dùng toàn bộ sự dũng cảm và trưởng thành của mình, tự cất lên tiếng nói riêng. Cuộc nói chuyện đó có thể diễn ra trong nước mắt, giận dữ, và cả những vết thương mới. Thật buồn… nhưng có lẽ, có nhiều sự đổi thay phải trả giá bằng xung đột gay gắt. Tôi gọi đó là cách mà ta thức tỉnh. Ít nhất một lần, ta cũng cần thẳng thắn, để bản thân và các thành viên còn lại được đối diện với những trách nhiệm quá mức đang chia rẽ gia đình. Ít nhất một lần, ta cũng cần vượt qua lớp sương mờ của biến cố để thực sự tìm ra cách giải quyết thích hợp, thay vì im lặng để mọi thứ lặp lại lặp lại… không hồi kết.

SUY NGẪM VỀ NHỮNG TRÁCH NHIỆM CẬU ĐANG GÁNH VÁC

Khi giông bão của biến cố tạm lắng xuống, ta hãy quay về đối diện với chính mình. Đây là lúc ta có thời gian để SUY NGẪM LẠI VỀ NHỮNG TRÁCH NHIỆM TA ĐANG TỰ ÔM LẤY. Buông bỏ là chuyện… không thể. Nhưng đặt ra những giới hạn là cần thiết. Giới hạn ấy giúp giữ trách nhiệm ở trong khả năng cậu có thể chịu đựng được, không khiến cậu đau khổ, không khiến cậu có những cảm xúc và hành vi tiêu cực để phản ứng lại với cuộc sống. 

Bạn thân mến ơi, nếu những trách nhiệm cậu từng nghĩ là tốt đẹp ấy đang dần đánh mất ý nghĩa ban đầu, nó còn xứng đáng không? 

TRAO TRẢ NHỮNG TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ NGƯỜI KHÁC

Khi đã hiểu hơn về các trách nhiệm tồn tại cũng là lúc ta biết – đâu là trách nhiệm mình cần gánh vác, và đâu là những trách nhiệm phải san sẻ. Có thể ta sẽ phải làm một việc đau lòng hơn hết thảy… Chính là trao trả lại những trách nhiệm thuộc về người khác.

Ví như, việc chăm sóc cha mẹ là việc con cái phải CÙNG làm, không phải nhiệm vụ riêng cho con cả hay con út hay người con giỏi kiếm tiền hơn. Những khoản nợ chất chồng do cờ bạc, đầu tư thua lỗ không phải là thứ cả gia đình cứ tần tảo làm việc, trả nợ thay là xong. 

Những người chỉ biết cho đi sẽ tạo ra những kẻ chỉ biết nhận lấy, nên nếu cứ để sự im lặng che lấp biến cố, tương lai có thể sẽ lại quay vòng với các biến cố mới, mà ta không thể kiểm soát được.

Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm là một phần của cuộc sống, ta sống có trách nhiệm là một phẩm chất tốt. Nhưng, trách nhiệm phải đúng đắn mới có ý nghĩa. Nếu những trách nhiệm vô lý thì ta hãy mạnh mẽ trao trả nó về đúng với người cần nhận. Người ấy cũng cần học cách sống có trách nhiệm.

THẤU HIỂU CHỨ KHÔNG GÁNH VÁC THAY NGƯỜI KHÁC

Tiếp nối ý trên, tôi chợt nhớ một câu chuyện. Mấy hôm trước, bạn tôi hỏi trong nhóm chat chung rằng – Mọi người có thấy thương xót cho cái khổ của người khác không? Đa số chúng tôi đều thấy có. Có thương xót cho những khó khăn, khổ sở, những vấp ngã mà người xung quanh mình, đặc biệt là người thân của mình gặp phải. Tuy nhiên, tôi còn thêm vào một ý rằng, tôi tin, nỗi khổ là một phần tự nhiên trong cuộc sống chúng ta, như 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Kí, thiếu một kiếp nạn cũng sẽ không thể tu thành chính quả. Vì thế, chuyện mà đối phương gặp phải, dù ta có đau lòng đến mấy cũng chỉ nên dừng lại ở động viên, đồng hành, hay chỉ dẫn một lối đi, chứ không bao giờ nên gánh vác thay. Đối phương cần tự mình vượt qua như cách một chú nhộng phá ké,  trở thành loài bướm rực rỡ, bay cao trên trời. 

Mong cậu sẽ luôn biết giới hạn của sự giúp đỡ. Xin hãy tin tôi rằng, học cách giữ cân bằng trong cảm xúc và mối quan hệ với người thân của mình cũng là cách bảo vệ mối quan hệ gia đình được bền vững.

Đọc những lá thư khác từ CHUNG

VÌ BẢN THÂN MÀ THA THỨ 

Bạn thân mến,

Thay cho lời kết của lá thư hôm nay, tôi muốn nhắn nhủ với cậu rằng…

hãy tha thứ cho người có lỗi, người đã khiến trách nhiệm gia đình chợt trở thành gánh nặng với tất cả mọi người. Không cần phải vì ta cao thượng, chỉ là, để bản thân được thanh thản sống tiếp mà thôi. 

Hãy tha thứ cho cả bản thân mình vì đã phải buông bỏ 1 số trách nhiệm. Với người trẻ như tôi, như cậu, lời từ chối với người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ đã chăm sóc mình vô điều kiện luôn là điều khó khăn vô cùng. Nhưng xin đừng quên rằng, không phải “cho đi vô điều kiện” đã là điều tốt nhất. Đôi khi, tuân theo giới hạn của bản thân là cách để ta sống tốt, và chỉ khi ta sống tốt, ta mới có thể chăm sóc được người khác.

Mong cậu sẽ không mãi đau khổ vì những tổn thương đã qua, không vì gánh nặng của những trách nhiệm quá mức mà quên mất bản thân, mình cũng là người tốt. Cậu xứng đáng với những điều tốt đẹp. 

Hãy cho phép mình được sống tốt.

Thương gửi cậu,

LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *