Self-study Journey

3 Bước Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân

Xin chào bạn thân mến,

Hồi vừa tốt nghiệp đại học xong, tôi đến công ty C để phỏng vấn xin việc. Mọi thứ diễn ra bình thường cho đến khi chị Giám đốc muốn tôi miêu tả về bản thân trong 3 từ, tôi chẳng biết phải trả lời thế nào. Có thể nói là tôi đã hoàn toàn đóng băng vì một câu hỏi tưởng như rất gần gũi với mỗi chúng ta như vậy.

Cậu biết đấy, đó chính là một “bài tập” cơ bản về thương hiệu cá nhân mà tôi đã bỏ qua trong những năm đi làm. Trên thực tế, thương hiệu cá nhân hiện diện ở nhiều khía cạnh của cuộc sống ta nghĩ. Từ những bản CV xin việc, bộ hồ sơ xin học bổng, đến câu tự giới thiệu bản thân vào ngày on board công ty mới, hay gần gũi hơn nữa là bất kì một tài khoản mạng xã hội nào, nghiêm túc như LinkedIn, đến đặc thù như Tinder… tất cả chúng đều cần ta đưa ra vài điều nổi bật về bản thân. Nhưng… ta nói gì bây giờ? Làm sao để kiểm soát những điều về bản thân mình nhưng ở cấp độ bài bản hơn, chủ động hơn? Đây chính là chủ đề mà tôi muốn được trò chuyện cùng cậu hôm nay – Về thương hiệu cá nhân và 3 bước xây dựng thương hiệu cá nhân.

Tập podcast này được tôi thực hiện bằng kinh nghiệm làm truyền thông của bản thân, kết hợp với những tài liệu tôi tự học được. Nó có thể sẽ còn nhiều hạn chế, nhưng tôi nghĩ cũng sẽ đủ để đưa đến một số định hướng cơ bản cho những người muốn bắt đầu mà chưa biết bắt đầu từ đâu 😉 Thực ra tôi cũng nghĩ, trong cuộc trò chuyện của chúng ta, cậu không cần quá đặt nặng những gì tôi nói, bởi chúng vốn là chiêm nghiệm của riêng tôi, nhưng đừng quên đi những ý tưởng cậu nghĩ ra trong khoảng thời gian này. Đó mới thực sự là giá trị quan trọng với cậu! Mong cậu… sẽ luôn tin tưởng ở bản thân.

CHUNG thương hiệu cá nhân 01

3 BƯỚC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Bước 1: Xác định “Mình MUỐN gì?”

Ở thời điểm tôi xây dựng dàn ý cho tập podcast hôm nay, tôi đã cân nhắc rất nhiều về những nội dung cần thiết. Liệu mọi người có muốn bắt đầu với một câu hỏi… có vẻ mơ hồ như thế này không? Có phải ai cũng biết mình muốn gì ngay từ khi bắt đầu không? 

Nếu những mục tiêu của chúng ta đã rất rõ ràng. Ví Như khi cậu đã biết, 3 năm nữa mình muốn du học Mỹ, xây dựng thương hiệu cá nhân gắn với quá trình cậu làm việc, học tập, hoạt động xã hội,…  để tạo nên sự khác biệt trong hồ sơ xin học bổng là điều cần thiết.

Hay khi cậu đã xác định 5 năm nữa mình sẽ làm Content Leader, thì xây dựng thương hiệu cá nhân gắn với các dự án cậu đã làm, kinh nghiệm làm việc,… sẽ củng cố hồ sơ năng lực, để nhà tuyển dụng tin tưởng cậu hơn.

Nhưng tôi lại nghĩ, mình muốn nội dung này là dành cho những người giống tôi.. Những người rất muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng lại chưa thể bắt tay vào làm vì chưa có mục tiêu cụ thể.

Đó là lý do tôi quyết định giữ câu hỏi “Mình MUỐN gì” ở vị trí đầu tiên trong chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân. Xét cho cùng thì xây dựng thương hiệu cá nhân là một dự án nghiêm túc. Vậy nên, ý nghĩa của việc biết mình muốn gì là để ta biết mình đang đi đâu, để giúp cậu kiên trì theo đuổi mục tiêu mà không bị lạc lối. Hãy bắt đầu từ câu hỏi khó nhất là tìm ra điều mình muốn đạt được cho thương hiệu cá nhân của mình. Và tôi sẽ hỗ trợ cậu bằng một số câu hỏi cụ thể hơn như sau:

  • Mình là người như thế nào? Mình muốn mình trở thành người như thế nào?
  • Mình muốn xây dựng thương hiệu cá nhân về lĩnh vực gì?
  • Mình muốn người khác nhớ về mình với hình ảnh như thế nào?

Bạn thân mến, thực ra khi tôi mới xây dựng CHUNG, ý thức về thương hiệu cá nhân của tôi không nhiều, nhưng tôi vẫn xác định rất rõ ràng một hình ảnh mà tôi muốn người ta nhớ tới về tôi và CHUNG:

Đó là sự đồng cảm của tôi với nỗi buồn của người khác, là nơi đáng tin cậy để bất kì ai đang cảm thấy cô đơn, khó khăn đều có thể thoải mái tâm sự.

Với mục tiêu như thế, trong một năm đầu tiên, tôi viết 80 lá thư, về những nỗi buồn của tôi, về những kiến thức tâm lý mà tôi tự học, về những điều ý nghĩa trong cuộc sống tôi chắt lọc thông qua phim ảnh, sách báo… Nhờ vạch rõ điều mình muốn, tôi làm việc nghiêm túc hơn và kiên trì làm đến bây giờ – hơn 3 năm rồi. Dù tôi không có những số liệu khổng lồ, ấn tượng, những gì tôi làm chỉ là góp một viên gạch nhỏ giữa thế giới mạng xã hội vô vàn nội dung sáng tạo, thì chỉ cần một số người được truyền cảm hứng bởi nội dung tôi làm, một số người đã mở lòng chia sẻ với tôi, một số người gọi tôi là Thu – tên thật của tôi, một số người gọi tôi là CHUNG, tất cả đều là thành tựu tôi trân trọng như một kho báu. 

Bước 2: Xác định “Mình CÓ gì?”

Sau khi đã xác định mình muốn đạt được thương hiệu cá nhân như thế nào, chúng ta sẽ cần một bước đào sâu để xem khả năng của mình có thể giúp cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân ra sao?

Khả năng tự thân của cậu chính là sở thích, tài lẻ, bằng cấp, hoặc dựa vào chính những kinh nghiệm liên quan đến công việc của cậu. Dù cậu có lười, có ngại, cũng hãy ngồi một mình tĩnh lặng trong 30 phút để trả lời những câu hỏi sau:

  • Tính cách của mình thế nào?
  • Sở thích nào mình có thể gắn bó, làm mãi không chán?
  • Từng có kỉ niệm hay hành động nào trong quá khứ mà mình nhớ mãi?
  • Mình giỏi điều gì?
  • Ai là hình tượng mình muốn trở thành?
  • Người ta sẽ nhớ đến mình như thế nào?

Trả lời những câu hỏi trên giúp cậu biết được mình có thể làm gì để bắt đầu dự án xây dựng thương hiệu cá nhân rồi. Nhưng cậu vẫn có thể mở rộng hiểu biết của mình về bản thân hơn nữa, bằng cách đi hỏi bạn bè, người thân.

Hãy hỏi một số người thân thiết và đáng tin cậy, xem họ thấy cậu thế nào; Họ sẽ miêu tả gì về cậu khi giới thiệu với người khác? Và nhờ họ chọn một vài tính từ thích hợp với cậu.

Lưu ý là đừng đưa ra những câu hỏi có tính định hướng như – Bạn có nghĩ tôi là người hài hước không? Mà hãy thay bằng “Bạn nghĩ cách nói chuyện của tôi có điều gì đặc biệt”

Sau khi đã gom được khá nhiều dữ liệu về bản thân, chúng ta sẽ cần xác định cụ thể – 1 điều về bản thân mình muốn chia sẻ với cộng đồng, một lĩnh vực mình muốn tập trung, và một nhóm đối tượng mình muốn hướng đến. Hãy quyết định thật nhanh. Đừng do dự, cũng đừng tham lam. Sau này, chúng ta sẽ còn rất nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn. Còn bây giờ, hãy chỉ chọn 1 vài điểm tiêu biểu nhất về cậu để bắt đầu ngay bước thứ 3 , trước khi thời gian trôi qua khiến cậu nản lòng.

Bước 3: Quyết định “Mình LÀM gì?”

Việc đầu tiên chúng ta bắt tay vào làm là chọn một kênh truyền thông mà mình sẽ gắn bó dài lâu. Ở đây, tôi sẽ trực tiếp đề xuất các kênh truyền thông phù hợp với từng định dạng nội dung như sau:

  • Nếu cậu thích viết một cách hướng nội toàn thời gian, hãy chọn làm một trang blog. Gần đây, Substack cũng là một nền tảng thích hợp cho người viết các bài blog dài, tích hợp với dịch vụ gửi Newsletters có trả phí mà cậu có thể sẽ thấy hứng thú.
  • Nếu cậu thích viết nhưng cũng muốn kết nối, trang Facebook là sự lựa chọn khá phù hợp. Lập fanpage sẽ có cảm giác chuyên nghiệp hơn, nhưng sẽ phải chịu những thay đổi liên tục từ thuật toán của Facebook. Nếu xây dựng thương hiệu cá nhân từ trang Facebook cá nhân của cậu, ta sẽ có nguồn độc giả sẵn có là bạn bè, người quen, nhưng chúng ta có thể sẽ thấy không thoải mái khi chia sẻ một số chủ đề mà mình không muốn cho người quen biết.
  • Nếu cậu muốn nghiêm túc, chuyên nghiệp, chỉ tập trung vào sự nghiệp, thì LinkedIn sẽ mang tới nhiều lợi thế.
  • Nếu cậu thích hình ảnh, chọn Instagram. Trên thực tế, tôi chọn Instagram là kênh chính cho CHUNG ngay từ đầu, nhưng hiển thị của Instagram ưu tiên hình ảnh nên những bài đăng dài của tôi rất khó đọc. Đây là một nhược điểm mà người thích viết dài sẽ cần cân nhắc khi quyết định chọn Instagram.
  • Nếu cậu thích video ngắn, nhanh, Tiktok hoặc Instgram Reel là sự lựa chọn tuyệt vời.
  • Nếu cậu thích viết bài dài, lại có thể quay video thì Youtube là sự lựa chọn tối ưu nhất.

Có một điều quan trọng trong quá trình làm nội dung là thói quen lưu trữ, để không phụ thuộc vào bất kì nền tảng nào. Cậu có thể sử dụng 2 nền tảng, ví dụ kết hợp blog và fanpage chẳng hạn. Hay đơn giản hơn là luôn lưu các bài đã viết vào Google Drive.

Bước tiếp theo là đặt tên và làm logo đại diện cho thương hiệu cá nhân của cậu. Về tên gọi, sử dụng tên thật của cậu là lựa chọn đơn giản và gần gũi nhất. Nhưng hãy thử sáng tạo thêm một chút để tạo điểm nhấn. Ví dụ, sử dụng chính từ khoá về bản thân mà cậu đã chọn ra ở bước 1 và bước 2 để sáng tạo thành thương hiệu của riêng cậu. Còn về phần logo, xếp các chữ cái trên một hình nền đơn giản là cách tôi đã áp dụng. Nếu cậu không muốn tốn nhiều thời gian vào logo, để tập trung cho nội dung chính, thì hãy cứ bắt đầu như tôi. Sau này ta vẫn có thể thay đổi thiết kế của logo nữa mà.

Sau khi đã xác định được kênh truyền thông, hãy đi kết nối nhiều hơn. Tham gia vào các cộng đồng trên Facebook, đăng ký cộng tác với các fanpage, kết nối với những người giống mình, và kể cả là chạy quảng cáo cho trang cá nhân… Điều đó giúp nhiều người biết tới cậu, cùng chia sẻ những giá trị chung để hỗ trợ cho nhau tốt hơn. Có thể cậu không quá thích điều này, thực ra, tôi cũng cảm thấy rất ngại ngùng. Nhưng nếu đã chọn xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn, ít nhất là vài lần. Hãy làm khác đi để có kết quả tích cực hơn. Tôi có niềm tin rằng người sẵn lòng nghe một tập podcast dài dặc như thế này, chắc chắn là niềm khao khát cũng rất mạnh mẽ đó! Cậu hãy cho bản thân cơ hội, còn kết quả thì thời gian sẽ hồi đáp!

Và hoạt động cuối cùng mà chúng ta thường bỏ qua là đánh giá các hoạt động mình đã làm, và điều chỉnh cho phù hợp với các bước phát triển tiếp theo của bản thân. Khi cậu làm đến bước này thì tôi nghĩ, dù kết quả cậu đạt được có ra sao, cậu đều nên nói cảm hơn với chính mình! Cậu đã làm được rồi đó!

Unsplash/ Nani Williams

Vì sao thương hiệu cá nhân quan trọng?

Bạn thân mến, 

Thương hiệu cá nhân hiện diện trong nhiều khía cạnh cuộc sống, như tôi đã nhắc tới ở phần đầu của tập podcast. Tuy nhiên, thương hiệu cá nhân thực sự có ý nghĩa như thế nào?

Hôm trước, bạn tôi có nhắn tin cho tôi chia sẻ – Mấy hôm nay, em tự nhiên phân vân. Cứ an phận làm vừa phải, dành thời gian du lịch, học thêm, hay là phải làm gì đó to tát hơn?. Khi nhận được câu hỏi như thế, tôi có nói với cậu ấy rằng

  • Con đường nào tốt hơn thì chị không dám trả lời. Nhưng chị nghĩ đến một thứ em có thể làm ngay từ bây giờ, trong lúc chờ bản thân tìm ra câu trả lời. Đó là xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu sau này em muốn làm lớn, nó sẽ giúp em củng cố uy tín của bản thân. Còn nếu không, thì thương hiệu cá nhân sẽ trở thành một tài sản tinh thần để em thấy mình đã thay đổi và trưởng thành hơn như thế nào.

Chúng ta đều từng đi qua giai đoạn mới chập chững vào nghề, thiếu trải nghiệm và kinh nghiệm, hay những khi đang rất mông lung với tương lai của chính mình. Tôi nghĩ là không sao cả đâu, bạn thân mến. Rồi giai đoạn đó sẽ qua. Nhưng liệu cậu có từng tự hỏi – Mình có được gì sau từng năm tháng qua đi? 

Tôi hi vọng, quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân chính là cách để ghi dấu bước đường trưởng thành của riêng cậu, để tạo nên một tài sản tinh thần gắn bó với cậu và hỗ trợ cậu thăng tiến hơn trong tương lai.

Vì lẽ đó, dù cậu cảm thấy mình chưa có mục tiêu nào để theo đuổi, cũng hãy bắt đầu ngay hôm nay.Tôi luôn có một câu châm ngôn tự chế là – “Tôi phải đi bước đầu tiên thì mới có bước thứ hai tốt hơn. Nếu mãi không bước được bước đầu tiên, thì tôi chẳng có cơ hội nào để thay đổi cả”.  

Thêm một lý do vì sao tôi chọn thực hiện về thương hiệu cá nhân chứ không phải xây kênh nói chung, bởi vì tôi nghĩ, thương hiệu cá nhân là chuyện khó hơn. Chọn điều gì để nói về mình? Ta có gì tốt để lan toả tới cộng động? Từng quyết định khi xây dựng thương hiệu cá nhân đều đòi hỏi ta phải thận trọng, nghiêm túc. Nhưng bù lại, thương hiệu cá nhân là giá trị bền vững, góp phần chúng ta theo đuổi ước mơ của mình, dù là đi du học, thăng chức, chuyển hướng nghề nghiệp, hay tạo dựng một cộng đồng mình thuộc về.

Tôi hi vọng, thương hiệu cá nhân sẽ là thứ có ý nghĩa với cậu đến như vậy ^^

LỜI KẾT

Bạn thân mến, 

Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình lâu dài, cần sự nghiêm túc và kiên trì. Tôi không thể nói, mọi nỗ lực của chúng ta đều sẽ mang tới kết quả tích cực, tức là, không phải ai xây dựng thương hiệu cá nhân cũng sẽ thành công đỗ học bổng, đạt vị trí mình mong muốn, hay trở nên nổi tiếng,… Nhưng tôi nghĩ, bản thân sự tồn tại của dự án này đã là một tài sản quý giá, tài sản tinh thần đủ giá trị để cậu biết, mình đã chăm chỉ, đã sống hết mình và trưởng thành hơn qua từng chặng đường.

Cậu sẽ làm tốt thôi, bạn thân mến! Chúng ta hãy cùng nhau thật cố gắng!

Thương gửi cậu,

LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *