Bạn đang trì hoãn điều gì vậy?
Xin chào, bạn thân mến,
Khi tôi bắt đầu thu âm những tập podcast đầu tiên, tôi vô cùng sợ micro. Cậu có thể hình dung là, tôi ngồi đến 4, 5 ngày liên tục, thu hàng trăm bản rồi xoá đi ngay lập tức. Vì tôi nói sai từ, vì giọng tôi không tự nhiên, không trôi chảy, cả vì chất lượng file chưa làm tôi hài lòng,… Kịch bản luôn luôn diễn ra theo một công thức là – lúc trước tôi vừa tập đọc rất thoải mái, lúc sau bật micro lên là tôi bắt đầu ngập ngừng. Cảm thấy ngực mình bị nghẹn lại và khó thở. Nhiều thời điểm tôi cứ ngồi lì trên ghế muốn cứng đờ cả người, chịu đựng rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Sự bất lực và tự trách bản thân cứ đè chặt trong lòng tôi, trở thành nỗi sợ to lớn, như tấm màn đen khiến trải nghiệm làm podcast của tôi từng rất khó khăn. Nhưng vì tôi không muốn bỏ cuộc, nên ở giai đoạn ấy, suốt quá trình làm podcast, tôi cứ trì hoãn càng lâu càng tốt.
Chỉ là sự thật thì không nuông chiều tôi mãi. Khi tôi càng trì hoãn để chạy trốn nỗi sợ, tôi sẽ càng sợ nó. Càng trì hoãn, tôi càng áy náy, áp lực vì công việc còn dang dở. Cứ như thế, lòng tôi nặng trĩu suốt nhiều ngày.
Trong những nỗ lực trèo qua bức tường thành của tinh thần, tôi cũng thử nhiều cách khác nhau để vượt qua sự trì hoãn.
- Làm to-do list chi tiết và chia nhỏ vào từng ngày.
- Tìm kiếm động lực từ sự đam mê của thần tượng.
- Gò ép mình vào lịch trình cố định.
- Đọc nội dung, xem video để tạo niềm vui.
Nhưng kết quả lại không thay đổi nhiều. Tôi cứ như một cái cây cao mà thiếu đi bộ rễ sâu. Dù làm đủ mọi cách, thì vẫn chỉ là trên bề mặt. Dù có xử lý được mọi thứ ở thời điểm ấy, thì vẫn không thể kéo dài được lâu.
Hôm nay tôi nhặt nhạnh được một chút hứng thú. Ngày mai hứng thú có thể cạn kiệt ngay và tôi lại loay hoay không biết làm gì tiếp.
Hôm nay tôi làm cho mình một bản kế hoạch dài và chỉn chu. Ngày mai có thể tôi chẳng đủ ý tưởng để hoàn thành nổi một cái gạch đầu dòng.
Rốt cục thì tôi đã hiểu
Muốn giải quyết sự trì hoãn, không phải là cứ sắp xếp công việc, quản lý thời gian, gò mình vào một cái guồng quay là đã đủ. Những cách làm ấy vẫn đúng, nhưng sẽ không đạt hiệu quả, nếu thiếu đi một điều kiện cực kì quan trọng. Chúng ta phải nhận thức được nguyên nhân khiến mình trì hoãn.
Và trong lá thư hôm nay,, tôi muốn tập trung vào khía cạnh về cảm xúc cá nhân của chúng ta. Nhưng trở ngại trong tinh thần khiến ta cứ mãi trì hoãn dù biết rõ điều mình muốn là gì… Vì thế, hãy trò chuyện cùng nhau cho đến cuối của lá thư nhé!
ĐIỀU THỨ NHẤT: TIÊU CHUẨN HOÀN HẢO CỦA CHÚNG TA
Tôi không chắc, mình là người cầu toàn hay nghiêm khắc. Mỗi khi bắt tay vào làm việc gì đó, tôi luôn vô tình có những tiêu chuẩn rất cao. Ví như, để một tập podcast được coi là đã hoàn thành thì video phải thật đẹp mắt, âm thanh phải thật trau truốt, ấm áp. Nó cần phải tuyệt vời như những Youtuber đã làm nhiều năm. Suy nghĩ ấy trở thành chướng ngại vật đầu tiên khiến tôi cảm thấy mình không thể nào làm tốt được. Tôi vốn chỉ là một “tay mơ”, mỗi kĩ năng biết một chút nhưng lại không thực sự siêu phàm trong kĩ năng nào.
Đúng rằng tiêu chuẩn cao sẽ đòi hỏi ở ta sự cố gắng và cẩn thận nhiều hơn, để có sản phẩm tốt hơn. Nhưng mặt khác, tiêu chuẩn cao cũng sẽ trở thành rào cản, khiến ta lo lắng. Tiêu chuẩn cao không sai, cái mà ta cần điều chỉnh là tâm thế của chính ta. Sự hoàn thành sẽ luôn tốt hơn hoàn hảo. Cũng như trong tập podcast “3 bước xây dựng thương hiệu cá nhân”, tôi từng viết rằng – Chúng ta cần có bước đi đầu tiên, thì mới có bước thứ hai để tốt hơn. Nếu không có bước đi đầu tiên ấy, mãi mãi ta chẳng có cơ hội nào để tốt hơn cả. Tôi đã và vẫn đang phải buộc mình phải gác qua một bên những tiêu chuẩn đang trở thành gánh nặng và tập trung đối diện với những gì mình cần làm, ở ngay hiện tại này. Hãy làm xong từng nhiệm vụ (task) thật nhanh và quyết đoán. Đừng quá nuông chiều cảm xúc mềm yếu, để rồi chần chừ mãi không thực hiện được mục tiêu. Giữa việc chịu đựng áp lực mình tự đề ra và cảm giác hối hận khi đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian, cậu sợ điều gì hơn, bạn thân mến?
ĐIỀU THỨ HAI: LO SỢ MỘT KẾT QUẢ XẤU
Liệu cậu có giống tôi như thế này. Mỗi khi bắt tay làm điều gì mới, tôi vừa cảm thấy hào hứng, vừa cảm thấy lo sợ vô cùng. Nỗi lo sợ ấy miên man về phía tương lai xa xôi… Không biết mình làm thế này, người ta có hiểu nhầm không? Mình làm ra người ta có đón nhận không? Khi xem người khác đang làm rất hay, tôi lại vô thức so sánh bản thân với họ. Tôi tự ti đến mức quên đi bản sắc riêng của mình, không còn dám làm tiếp vì suy nghĩ “sản phẩm của mình có thể chẳng được bằng một góc của người ta”.
Bạn thân mến, chúng ta sẽ mất đi nhiệt huyết, nếu không thể biết, việc mình làm có ý nghĩa gì hay không. Vậy nên, cảm xúc lo sợ về tương lai là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Cậu đừng để nó lấn át mình, hãy dũng cảm lên nhé! Ai cũng sẽ bắt đầu từ một nơi nhỏ bé nào đó. Và chỉ không làm thì ta mới không sai, còn nếu đã làm thì luôn có rủi ro. Điều ta cần tập trung nghĩ đến không phải là kết quả chưa xảy ra, mà là lý do vì sao mình bắt đầu. Hãy nghĩ như vậy để động viên bản thân tiếp tục cố gắng, bạn thân mến ạ. Tôi nghĩ rằng, ở khía cạnh cảm xúc, ta buộc phải tự cứu chính mình.
Thế nhưng, tin vui là về khía cạnh lý trí, tôi vẫn có một gợi ý nhỏ để chia sẻ với cậu, một cách làm đã hiệu quả với cá nhân tôi. Đó là tập trung vào THỜI ĐIỂM cậu làm việc.
Sau nhiều năm làm việc tại nhà, tôi nhận ra, mình viết tốt vào khung giờ 6h30 đến 8 giờ sáng. Đó là thời điểm mà xung quanh tôi khá yên tĩnh, đầu óc tôi cũng còn trống rỗng, nên khi bắt đầu viết, nó trở nên vô cùng tập trung. Tôi thường có thể viết xong bản nháp đầu tiên của tất cả bài vở trong ngày. Sau đó, xuyên suốt ngày dài, các nội dung sẽ được chỉnh sửa thêm 2, 3 lần nữa là hoàn thành.
Mặt khác, thời gian buổi sáng cũng là khi tôi chưa kiểm tra điện thoại. Nhờ đó, tôi không mải mê lướt mạng xã hội và kéo về cả mớ suy nghĩ lan man – thứ bị tạo ra sau khi tiếp nhận những nội dung hỗn loạn trên mạng. Tôi cũng không giống bình thường, cứ 10 phút lại cầm điện thoại một lần mà quên mất việc mình đang làm dở.
Tôi đã cố định khung giờ này, để tạo thói quen viết hằng ngày. Cậu cũng hãy thử tìm khung giờ thích hợp với bản thân, giúp năng suất công việc cao hơn mà tránh được sự trì hoãn. Tôi nghĩ, chúng ta không phải chờ đến khi giải quyết triệt để sự trì hoãn thì mới làm việc mình muốn, như vậy sẽ rất tốn thời gian, cậu có nghĩ thế không?
ĐIỀU THỨ BA: LOAY HOAY TRONG QUÁ NHIỀU THỨ CẦN LÀM
Bạn thân mến,
Có lẽ, mọi người đều không xa lạ với to-do list đúng không? Với tôi, to-do list đã từng là thứ rất mâu thuẫn
Nếu tôi không làm to-do list, thì tôi sẽ hoang mang, không biết mình cần làm gì, làm thế nào và càng không biết mình đã làm tới đâu, sắp hoàn thành hay chưa. Chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng trì hoãn nếu mọi thứ quá mơ hồ.
Nếu tôi làm to-do list, thì tôi lại bị choáng ngợp trước cả một trang giấy kín gạch đầu dòng từ đủ công việc khác nhau. Chúng ta sẽ tiếp tục muốn trì hoãn vì thấy quá nhiều thứ đang chờ đợi mình.
Thế nhưng, nhìn nhận một cách công bằng, thì to-do list chỉ là công cụ. Nó sẽ đạt được hiệu quả khi ta áp dụng nó một cách phù hợp với bản thân. Ở đây, tôi xin được nhấn mạnh vào “việc phù hợp với bản thân”, thay vì áp dụng theo cách thức của bất kì ai khác. Có lẽ, cậu sẽ cần kha khá thời gian thử nghiệm nhiều hình thức làm to-do list khác nhau, để tự tối ưu cho bản thân. Nhưng tôi tin, nó sẽ rất hữu ích để giúp ta chiến thắng sự trì hoãn.
Một gợi ý khác nữa tôi có được sau khi đọc câu chuyện về nhà văn Douglas Adams, tác giả bộ truyện “Bí kíp quá giang vào Ngân Hà”. Bản thân ông là một nhà văn với rất nhiều đầu sách khác nhau, nhưng không phải lúc nào, viết lách cũng thuận lợi. Ông cũng có những thời điểm bí ý tưởng, cố trì hoãn thời gian để chờ một khoảnh khắc “Eureka” xuất hiện. Nhưng ý tưởng vẫn còn đi lạc mà thời hạn nộp bản thảo đã đến, nhà văn nhờ biên tập viên đến ở cùng mình trong nhiều ngày, chỉ ngồi và theo dõi quá trình ông viết. Kết quả là ông đã hoàn thành bản thảo đúng yêu cầu.
Nhưng đó là cách làm của nhà văn lớn, chúng ta có thể không cần tới mức ấy, nhưng tôi nghĩ, một áp lực vừa đủ sẽ tạo ra động lực tích cực, giúp cậu hoàn thành công việc tốt hơn. Đôi khi tôi đã áp dụng cách làm này dưới hình thức đăng một status lên mạng xã hội. Cảm giác phải có trách nhiệm với lời mình nói giúp tôi cố gắng hơn. Cảm giác e ngại khi bạn bè đã biết đến dự định này khiến tôi không thể chểnh mảng hay dễ dàng từ bỏ nữa. Bởi rất có thể lần tới gặp nhau trong quán cafe, câu đầu tiên bạn tôi hỏi thăm sẽ là “Dự án của mày sao rồi?”
Bạn thân mến,
Quá nhiều thứ để làm không đáng sợ. Thực ra, lúc nào chúng ta cũng có nhiều việc để làm hết cậu ạ. Nó không nên là lý do khiến ta trì hoãn, để rồi tiêu tốn thời gian vô ích. Hãy cứ bắt tay vào làm và điều chỉnh cho đến khi mình hoàn thành thì thôi. Chúng ta cùng cố lên!
ĐIỀU CUỐI CÙNG: TÍNH KỈ LUẬT
Điều cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng mà tôi đặc biệt tách riêng ra khỏi tất cả những nội dung trên để nó được nổi bật nhất. Đó là TÍNH KỈ LUẬT, bạn thân mến ạ.
To-do list sẽ không được thực hiện, nếu tính kỉ luật không bắt ta nghiêm túc tuân thủ những gì mình đã đề ra.
Thói quen sẽ thay đổi liên tục. Cảm hứng, niềm vui ta gom nhặt từ bất cứ nơi đâu đều có thể mất đi ngày một ngày hai, nhưng kỉ luật sẽ đưa ta trở lại với guồng quay quen thuộc.
Có những lúc, tôi cũng sợ hãi việc mình phải chuẩn chỉnh theo từng khung thời gian. Tôi cũng từng có thời điểm cảm thấy mệt nhoài trong chính những kỉ luật mình từng cố công xây dựng lên. Nhưng tôi tin, không điều gì là lãng phí cả. Việc thành công đạt mục tiêu sẽ cần tới nhiều yếu tố hơn nữa, nhưng giữ kỉ luật sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp đưa ta đi xa, sau tất cả chông chênh của lòng mình.
Bạn thân mến, hẹn gặp nhau ở một thời điểm, chúng ta đều có thể mỉm cười, tự hào nói với đối phương, rằng – Tôi đã làm được!
LỜI KẾT
Bạn thân mến,
Những chia sẻ của tôi đều là những thứ tôi vẫn đang trong quá trình luyện tập mỗi ngày để thành thạo hơn. Không có điều gì có thể trở thành công thức chuẩn mực cho tất cả mọi người. Vì thế, cậu sẽ cần tự điều chỉnh để phù hợp với riêng cậu. Tôi hi vọng, xuyên suốt hành trình thay đổi bản thân để chiến thắng sự trì hoãn, cậu có thể đồng hành cùng tôi, và tôi đồng hành cùng cậu, chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau.
Và một lời nhắn quen thuộc ở CHUNG rằng đến ngày mai, cậu có thể quên đi những gì tôi nói, điều đó không sao cả, nhưng xin hãy luôn nhớ cảm xúc và ý tưởng cậu có được trong quãng thời gian ngắn ngủi ta trò chuyện. Tôi rất vui vì ta đã gặp được nhau.
Thương gửi cậu,
LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>