LỜI MỞ ĐẦU
Xin chào, bạn thân mến,
Tôi từng đọc một comment trên Youtube như thế này:
“Tôi mất đến 4 năm để trở thành một người “giỏi” đặt mục tiêu. Và tôi nghĩ mọi người đã truyền đạt thiếu một thông tin quan trọng. Sự thật là đặt mục tiêu cũng giống bất kì kĩ năng nào, nó cần hàng năm trời để bạn hiểu và áp dụng được “nghệ thuật” của việc đặt mục tiêu. Vì thế, đừng cảm thấy áp lực nếu bạn đang ở bước đầu tiên. Bởi việc này cần thời gian để giỏi hơn.”
Hiểu chợt hiểu rằng – À hoá ra không phải ai cũng biết cách sử dụng SMART, giống tôi. Bản thân tôi đã từng đặt ra những mục tiêu bất khả thi, đặt mục tiêu trong hoang mang, mơ hồ, chẳng có căn cứ nào. Tôi cũng từng đặt mục tiêu rồi quên luôn. Nhưng sau 3 năm luyện tập kĩ năng đặt mục tiêu, hôm nay, tôi ngồi gom lại chút ít kinh nghiệm của mình để chia sẻ cùng cậu.
Tôi vẫn còn vụng về thôi… Nhưng thông qua những vấn đề tôi từng gặp phải, hi vọng sẽ gửi đến cậu một vài lời gợi ý hữu ích. Nếu cậu thấy có điều gì chưa đúng, hay có điều gì có thể cải thiện tốt hơn được, xin hãy comment cho tôi và bạn đọc của CHUNG cùng biết nhé!
XÁC ĐỊNH TÂM THẾ
Trước khi bước vào quá trình đặt mục tiêu, chúng ta cần xác định cho bản thân tâm thế rằng:
Thứ nhất: Chấp nhận rằng khi mới bắt đầu, ta có thể đặt mục tiêu sai. Ta sẽ thử và sửa sai.
Thứ hai: Như điều tôi nhắc ở phía trên, đặt mục tiêu là kỹ năng cần thời gian luyện tập. Vì thế nên cậu đừng quá nóng vội và lo lắng khi chưa hoàn thành được mục tiêu nào.
Thứ ba: Vượt qua sự xấu hổ, sợ sai, sợ thất bại để thành thật với điều mình muốn.
Thứ tư: Nếu chưa hiểu về “SMART” thì cứ tạm quên nó đi! Chỉ cần ghi nhớ 2 điều quan trọng nhất – mục tiêu cụ thể và có deadline.
KHÓ KHĂN KHI ĐẶT MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA TÔI
Tập podcast này không đưa ra hướng dẫn về cách sử dụng S.M.A.R.T. Thay vào đó, tôi sẽ đi từ những khó khăn, sai lầm tôi từng mắc phải khi đặt ra mục tiêu, và cách mà tôi đã thay đổi để đặt mục tiêu tốt hơn. Cùng bắt đầu nhé!
1. Đặt mục tiêu quá cao
Cuốn sách “Atomic Habits”, có một câu rằng:
“Bộ não của con người yêu thích thử thách, nhưng chỉ khi thử thách ấy nằm trong độ khó tối ưu”.
Tác giả Jame Clear đưa ra so sánh với việc chơi tennis. Nếu cậu chơi với một đứa trẻ 4 tuổi, cậu sẽ thấy nhàm chán. Bởi nó quá dễ. Còn nếu cậu chơi với những tay vợt chuyên nghiệp như Roger Federer hay Serena Williams, thì cậu sẽ nhanh chóng mất động lực. Bởi cuộc chơi trở nên quá khó. Cậu phải đặt mục tiêu ở mức ranh giới – Vừa có cơ hội để thắng, vừa cần thực sự cố gắng.
Nhưng câu hỏi làm tôi sợ hãi chính là: “Làm sao tôi biết được mức nào là vừa đủ với mình?“
Chiến lược của tôi để giải quyết vấn đề đầu tiên là mò mẫm và thử nghiệm.
Chúng ta không biết đặt mục tiêu bao nhiêu, không biết như thế nào là quá cao hay quá thấp, bởi chúng ta thiếu thông tin. Ví dụ như, khi mới bắt đầu làm kênh instagram cho CHUNG, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Tôi không có dữ liệu để biết nên đặt mục tiêu bao nhiêu followers, trong thời gian bao lâu. Tôi cũng không xác định được, content của CHUNG có thu hút người đọc không, thậm chí là cách vận hành của Instagram có điều gì cần chú ý? vân vân. Những mục tiêu tôi đặt ra ở thời điểm ban đầu, thực sự rất bất khả thi.
Bạn thân mến,
Để tìm ra mục tiêu đúng chúng ta phải thử nhiều lần. Và tôi nghĩ, nên thử từ mục tiêu nhỏ để xây dựng hệ thống dữ liệu của riêng mình. Ví dụ như, bắt đầu với một bài viết mỗi ngày, mục tiêu đạt 100 follower đầu tiên, trong 3 tháng,vv
Tôi từng nghĩ, mình phải đặt mục tiêu lớn lao! Bởi áp lực có thể thúc đẩy chúng ta làm điều không thể, nhưng lý thuyết đó không đúng lắm! Nếu mục tiêu không khả thi, không thể hoàn thành được thì sẽ khiến chúng ta dễ nản và sớm bỏ cuộc hơn bao giờ hết. Nếu được lựa chọn thì cái tôi cần là một hành trình dài hạn với trạng thái bền bỉ, chứ không phải một phút vụt sáng rồi chợt tắt.
Vậy nên, hãy cứ đi từng bước một, đặt ra cột mốc nhỏ nhất, gần nhất với cậu. Sau đó, tăng dần độ khó theo thời gian.
Kể cùng cậu sai lầm của tôi rằng…
Trong 1 năm đầu làm CHUNG, kênh instagram đạt 100, hay 900 followers thì tôi cũng mặc kệ. Tôi cứ thả trôi mình như vậy mãi đến khi đạt con số 1000 followers. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu theo dõi kĩ càng và sát sao hơn sự phát triển của CHUNG, để rút ra kinh nghiệm cho những cột mốc sau này. Năm nay, tôi phát triển thêm một dự án mới. Bây giờ, tôi mới thấy ý nghĩa của việc chăm chỉ ghi chép từng bước phát triển của CHUNG. Bởi tôi có cơ hội ứng dụng tất cả những kinh nghiệm tôi có để xây dựng kế hoạch bài bản hơn cho dự án mới .
Tức là, thay vì đặt mục tiêu 1000 follower khi account của mình chỉ mới có 1 follower, bây giờ, tôi đặt các cột mốc 100, 200 và 500. Kết hợp với đo lường thời gian để kiểm soát hiệu quả. Đến khi hiểu về vận hành của kênh mới, content mới, tôi đặt cột mốc tiếp theo là 1000, 2000…vv Như vậy tôi sẽ không thấy quá sức, mà vẫn có chút thử thách để thôi thúc tôi tập trung vào công việc.
2. Không biết tất cả mọi thứ mà mình cần phải làm để đạt mục tiêu.
Ban đầu khi mới thành lập CHUNG, tôi cũng thử đặt mục tiêu 1000 follower. Lúc ấy, tôi thấy các tài khoản Instagram toàn 10 nghìn, 50 nghìn người thôi à. Tôi nghĩ 1000 là con số đơn giản thôi. Nhưng tôi thất bại ê chề. Tôi loay hoay chẳng biết giờ phải làm gì để đạt được mốc đó?
- Đăng bài hằng ngày?
- Đi comment dạo?
- Chạy quảng cáo?
- … Còn gì nữa không?
Thực tế là những cách tôi nghĩ ra này, không đạt hiệu quả như tôi mong muốn. Tôi cứ đăng rất nhiều bài mà không ai tương tác. Tôi chạy quảng cáo mà giá quá đắt, phải tắt đi. Qua 3 tháng đầu tiên với một mục tiêu bất khả thi, tôi quyết định bỏ mục tiêu ra khỏi đầu, rồi nghĩ là – “Mình cứ làm đại đi cho xong”.
Đến lúc này tôi cảm thấy mục tiêu dường như là vô nghĩa, nếu chúng ta không biết mình cần làm gì.
Hơn nữa, trong trường hợp của tôi, việc xây dựng một trang mạng xã hội còn phụ thuộc từ yếu tố bên ngoài.. Tức là hiệu quả của một kênh Instagram không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng tôi. Nó còn phụ thuộc vào thuật toán của Instagram, hay mối quan tâm của người dùng. Và sự bị động này đã khiến tôi hoang mang khi đặt mục tiêu.
Điều tương tự cũng diễn ra với một số mục tiêu khác. Ví như, cậu muốn 3 năm tới sẽ từ một nhân viên (executive) trở thành trưởng nhóm (team leader). Tuy nhiên, việc thăng chức thì đâu chỉ là sự cố gắng từ một phía của cậu. Nó còn là do sếp đánh giá, còn là sự cạnh tranh trong nội bộ nhóm. Làm sao cậu biết tất cả các tiêu chí mà người khác sẽ đánh giá mình?
Chiến lược của tôi trong vấn đề này là
Thứ nhất là mạnh dạn đi hỏi.
Cậu có thể hỏi người quen đang làm trong lĩnh vực mà cậu đang quan tâm. Hoặc là đăng một topic ẩn danh trên group Facebook nào đó. Tuy nhiên, nếu cậu hỏi một người làm Social Manager là: “Nên đặt mục tiêu bao nhiêu follower trong 6 tháng đầu tiên?”, họ sẽ không trả lời được. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấy.
Cậu có thể thử hỏi xem: Khi họ quản lý các tài khoản instagram khác, các tài khoản ấy cần bao lâu để đạt 500 followers? Số lượng đó do chạy quảng cáo hay là do cách đăng content? Dựa vào những thông tin đó, cậu cũng có thể thử nghiệm lại trên kênh của mình để xem có phù hợp hay ko.
Thứ hai, khi không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu ở bất cứ nơi đâu.
Bắt đầu bằng bất cứ gạch đầu dòng nào cậu nghĩ ra. Mong cậu tin tôi rằng, chúng ta phải có bước đi đầu tiên, thì càng đi mới càng sáng tỏ. Càng đi, cậu sẽ càng hiểu việc cậu đang làm và tìm ra hướng phù hợp. Thế nên hãy kiên trì trong 3 tháng, 6 tháng. Đừng quá vội vàng đưa ra kết luận chỉ sau vài tuần hay vài ngày.
3. Có quá nhiều mục tiêu.
Chúng ta có thể mắc phải sai lầm là tham lam. Mục tiêu nào cũng muốn đạt được. Hôm trước, tôi viết 3 điều quan trọng nhất trong năm 2024. Thế nhưng, càng viết càng “đẻ” thêm mục tiêu mới. Rốt cục, khi tôi dừng bút thì nó thành 7 điều.
Câu thần chú giải quyết vấn đề này là:
Hãy chọn 3 và chỉ 3 mục tiêu quan trọng nhất mà cậu thích nhiều hơn, đó là gì?
Hãy cứ viết xuống tất cả điều cậu nghĩ ra bằng các gạch đầu dòng. Sau đó, nhìn lại vài lần, và đánh số theo thứ tự cậu muốn ưu tiên hơn.
Cậu biết không? Có thời gian, ngày nào tôi cũng viết cả list dài các công việc cần làm trong 1 ngày. Cho đến khi quá mệt mỏi và chán chường, tôi thấy sợ mấy cái danh sách dài như vậy. Tôi quyết định quay lại điểm xuất phát – mỗi ngày hoàn thành 1 việc thôi, ít nhất là thế. Thời gian còn lại không phải là chơi, mà là làm những thứ khác, nhưng không dưới áp lực quá lớn.
Bởi tôi là kiểu người, mà cảm giác áp lực chỉ càng khiến năng suất của tôi giảm xuống, vậy nên, thay vì thúc ép bản thân bằng to-do list, tôi tạo cho bản thân cảm giác tích cực, hoàn thành 1 việc thì tôi sẽ có động lực để hoàn thành thêm các công việc khác. Tôi nghĩ, khoảng thời gian khi mới bắt đầu, ta cứ chậm một chút, chỉ cần đừng ngừng lại.
4. Bị tâm lý, sợ không hoàn thành, sợ sai.
Tôi nhớ, quá trình đặt mục tiêu cho CHUNG, tôi quá sợ hãi việc mình đặt ra nhiều mục tiêu rồi không thực hiện được gì cả. Nhiều lúc, tôi nghĩ mình là kiểu người xui xẻo tới mức, điều gì tôi nói ra thì sẽ không thực hiện được. Nhỡ đâu hôm nay mình đặt mục tiêu cho CHUNG, ngày mai vì lí do gì đó mà mình phải từ bỏ CHUNG luôn, suy nghĩ như vậy thường quẩn quanh trong đầu óc tôi, khiến tôi nản lòng.
Chiến lược để giải quyết vấn đề thứ tư không gì khác ngoài… tự thay đổi.
Một người bạn thân của tôi từng nói: “Chỉ nói thôi mà còn không nói ra được thì làm sao mà thực hiện được“. Khi tôi bắt đầu dám nói “Tôi làm được! Tôi xứng đáng!”, thì từng lời ấy nhóm lên trong tôi động lực và niềm tin, niềm hào hứng và sự vui vẻ để tiếp tục.
Tôi… không muốn thua ngay từ trong suy nghĩ của mình.
Trong năm 2023, tôi có một mục tiêu vừa sức. Đó là khi CHUNG đạt 2000 follower vào tháng 7, tôi liền đặt mục tiêu sẽ đạt 3000 follower vào tháng 12. Dữ liệu ở thời điểm đó, CHUNG đã mất 1 năm rưỡi để đạt 1000 follower đầu tiên, 9 tháng để đạt 1000 follower tiếp theo. Mục tiêu đạt thêm 1000 follower trong 6 tháng cuối năm là một con số khá thử thách, nhưng cũng không quá cao. Tất nhiên, với tâm thế không tự tin thì tôi cứ cho là mình đặt cho vui thôi. Dù sao, tôi đã theo dõi CHUNG suốt hơn 2 năm rồi mà, coi như một lần thử sức xem sao.
Khi thật sự đạt được mục tiêu 3000 follower, tôi được củng cố thêm niềm tin rằng – Không phải mọi chuyện đều xui rủi như tôi tưởng. Đúng là có những mục tiêu, tôi thất bại. Có nhiều lý do cho sự thất bại này lắm, vì tôi chưa đủ nghiêm túc, vì cách tôi làm chưa phù hợp với khả năng của tôi, vì tôi bị tâm lý nên càng ngày càng chùn bước, hay vì tôi xui rủi thật. Nhưng khoan nghĩ đến kết quả cuối cùng, hãy tập trung vào quá trình thực hiện mục tiêu ấy. Tin tưởng vào những dữ liệu mình đã có, đề ra mục tiêu, tiến hành thử nghiệm rồi tiếp tục theo dõi. Tôi cứ kiên trì như vậy, rồi cũng có một mục tiêu đạt kết quả.
Vòng tròn lặp lại của hành trình theo đuổi mục tiêu
Không biết liệu cậu có từng suy nghĩ giống như tôi… Đôi khi cảm thấy ngột ngạt với viễn cảnh mình phải sống trong một cái vòng. Vòng tròn ấy liên tục thúc ép mình “check-in” điểm A rồi điểm B rồi điểm X, Y, Z. Tất cả là để đạt được mục tiêu.
Nhưng mong cậu tin tưởng: Cuộc sống có mục tiêu “khoẻ” lắm, bạn thân mến à. Cậu sẽ không nuông chiều tính trì hoãn nữa. Cậu không chơi trong sự áy náy vì chưa hoàn thành việc gì cả. Giờ thì, cậu đã biết mình làm đến đâu và cần làm thêm gì. Cậu cũng không phải trải qua những ngày ngồi vào bàn một cách vô định. Buổi sáng chẳng có động lực để ra khỏi giường.
Có mục tiêu, tôi thấy mình thực tế hơn. Có hành động, có tiến về phía trước, chứ không phải là đang dậm chân tại chỗ. Tôi thích sống trong căn phòng ngăn nắp. Thế nên, tôi dần thích việc có mục tiêu sống.
LỜI KẾT
Bạn thân mến,
Phải thành thật với cậu rằng, tôi vẫn chưa phải người giỏi đặt mục tiêu hay lên kế hoạch gì cả. Nhưng tôi cảm nhận được sự thay đổi tích cực sau 3 năm đặt mục tiêu rồi thất bại. Khi viết lại những kinh nghiệm của mình, tôi chỉ mong có một phần nhỏ nào đó chạm được đến cậu. Để giúp cậu thấy được rằng, không phải ai cũng giỏi đặt mục tiêu ngay từ ban đầu. Hãy cứ vững tin ở bản thân mình nhé!
Nếu cậu đã có điều mình muốn nhưng còn gặp nhiều khó khăn khi xây dựng kế hoạch thực hiện, thì hi vọng bài viết hôm nay sẽ giúp cậu phần nào đấy.
Nếu cậu còn chưa biết mình muốn gì, tôi nghĩ cậu sẽ cần 1 buổi nghiêm túc “brainstorming” với bản thân. Tôi chắc rằng, trong những năm tháng qua, cậu đã từng yêu thích điều gì đó nhiều hơn những thứ khác. Hãy đi tìm lại những điều cậu từng thấy thú vị trong quá khứ. Hãy thử bắt đầu nuôi dưỡng một mục tiêu cụ thể xem sao. Biết đâu, đó lại là ngã rẽ đầy bất ngờ trong cuộc sống của cậu.
Tôi hiểu rằng, để đề ra được mục tiêu đã khó khăn, để theo dõi từng bước phát triển của bản thân cũng khó khăn không kém. Thực tế là, ta cứ liên tục phải ghi chép, phải soi chiếu lại những gì mình làm được, rồi lại tiếp tục đưa ra các mục tiêu mới… Đó là một vòng tròn lặp đi lặp lại, nhưng mỗi lần lặp lại, chu vi của vòng tròn sẽ lớn hơn. Đó là lúc ta phát triển, ta trở nên tốt hơn.
Cùng nhau cố gắng cho những mục tiêu của mỗi chúng ta nhé!
Thương gửi cậu,
LƯU Ý: Bản quyền bài viết thuộc về blog “CHUNGwithu.com”. Vui lòng không sao chép dưới bất kì hình thức nào. Nếu bạn có nhu cầu chia sẻ và trích dẫn, xin hãy liên hệ trước qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới những nội dung tại blog.
Đọc về BẢN QUYỀN và thông tin ủng hộ cho CHUNG tại: <Đây>